-Wa- Japan Web Magazine

Kimono

Kimono Nhật Bản là gì? Đặc điểm, phân loại và nơi bạn có thể trải nghiệm mặc Kimono

Kimono (着物) là quốc phục của Nhật Bản.

Trên thực tế, có nhiều loại Kimono khác nhau và mỗi loại sẽ được mặc cho những dịp khác nhau.

Người Nhật không chọn một bộ Kimono theo tâm trạng hay sở thích, mà chọn và mặc một bộ Kimono phù hợp với từng sự kiện.

Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về Kimono của Nhật Bản, lịch sử, các loại Kimono cho các dịp khác nhau, cách mặc Kimono, những nơi bạn có thể trải nghiệm và mua Kimono.

Đọc xong bạn sẽ có thể hiểu chi tiết về Kimono của Nhật Bản, vì vậy nếu có quan tâm thì bạn hãy đọc đến cuối nhé.

CONTENTS

Kimono là gì?

Kimono là quốc phục của Nhật Bản, còn được gọi là Wafuku (和服).

Ở Nhật Bản ngày nay, do văn hóa phương Tây lan rộng nên trừ trường hợp phải mặc do tính chất công việc thì người Nhật không mặc Kimono hàng ngày.

Tuy nhiên, Kimono là trang phục không thể thiếu đối với người Nhật.

Đó là vì Kimono là trang phục được mặc vào những dịp đặc biệt như các sự kiện quan trọng trong cuộc đời và các sự kiện truyền thống của Nhật Bản.

Ví dụ, người Nhật sẽ mặc Kimono vào dịp lễ Thành nhân (lễ đánh dấu tuổi 20, được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai của tháng Giêng hàng năm), lễ cưới hay tiệc trà đạo.

Sẽ có loại Kimono phù hợp với mỗi dịp đặc biệt như vậy, và người Nhật sẽ chọn mặc loại Kimono sao cho tương thích với dịp đó nhất.

Dù không mặc Kimono thường xuyên trong cuộc sống thường nhật nhưng một khi mặc thì người Nhật luôn cân nhắc sao cho bộ Kimono phù hợp nhất để không làm hỏng bầu không khí của sự kiện. Có thể nói sự chu đáo của người Nhật được thể hiện rất rõ qua bộ Kimono.

Đặc điểm của một bộ Kimono điển hình của Nhật Bản

Sau đây là những đặc điểm của một bộ Kimono điển hình của Nhật Bản.

Hình dạng của Kimono

Kimono khi trải ra sẽ có hình chữ T, thân và tay áo rộng.

Màu sắc và hoa văn của Kimono

Kimono có rất nhiều màu sắc và hoa văn, tùy theo loại mà sẽ khác nhau.

Ví dụ như bộ Kimono Kuro-tomesode chủ yếu được mặc trong lễ cưới sẽ có màu cơ bản là màu đen và các hoa văn mang ý nghĩa may mắn ở Nhật như hình hạc hay rùa.

Tùy theo mùa mà hoa văn cũng khác nhau. Như Kimono mùa xuân thì thường có hình hoa anh đào, Kimono mùa đông thường có hình hoa cúc.

Chất liệu của Kimono

Kimono có nhiều chất liệu khác nhau. Sau đây là 5 chất liệu thường được sử dụng.

  1. Lụa nguyên chất
    Là chất liệu lụa 100%. Nó có độ bóng trang nhã và là chất liệu cao cấp nhất trong tất cả các chất liệu làm Kimono.
  2. Cotton
    Vì cotton bền và có khả năng thấm hút cao nên chủ yếu được sử dụng cho những bộ Kimono mặc thường ngày và những bộ Yukata.
  3. Vải Hemp
    Là vải làm từ sợi của thân cây gai dầu. Nhờ tính thấm hút cao nên chủ yếu được sử dụng cho những bộ Kimono mặc vào mùa hè.
  4. Len
    Một chất liệu dày làm từ lông cừu. Vì nó giữ ấm tốt nên chủ yếu được sử dụng cho những bộ Kimono mặc vào mùa đông.
  5. Polyester
    Là loại vải làm từ sợi hóa học, có độ bền và độ bóng cao. Kimono sử dụng vải Polyester thường tương đối rẻ vì nguồn nguyên liệu dễ kiếm hơn các chất liệu khác.

Đồ lót và phụ kiện cần thiết để mặc Kimono

Để mặc một bộ Kimono đẹp thì cũng cần lưu ý đến đồ lót và phụ kiện.

  • Hadajuban (肌襦袢)
    Là đồ lót để mặc Kimono.
  • Nagajuban (長襦袢)
    Là một lớp quần áo mặc giữa đồ lót và Kimono, giống như lớp áo sơ mi mặc dưới áo khoác.
  • Obi (帯)
    Là một miếng vải bản rộng dùng để quấn quanh eo sau khi mặc Kimono.
  • Obi-age (帯揚げ)
    Là một miếng vải dùng để trang trí cho phần trên của đai Obi.
  • Obi-jime (帯締め)
    Là sợi dây quấn chính giữa đai Obi.
  • Obi-dome (帯留め)
    Là vật trang trí gắn trên dây Obi-jime.
  • Tabi (足袋)
    Tất xỏ 2 ngón (tách ngón cái và các ngón còn lại).
  • Zōri (草履)
    Dép làm từ cỏ bấc đèn (Igusa), cùng chất liệu với chiếu Tatami.

Lịch sử Kimono Nhật Bản

Kimono có lịch sử lâu đời, xuất hiện từ thời Jōmon (khoảng 13.000 đến 2.300 năm trước).

Vào thời đó, người ta mặc một loại trang phục gọi là Kanpui (巻布衣, một tấm vải quấn quanh cơ thể) và Kantōi (貫頭衣, một tấm vải có lỗ trên đầu). Hai loại trang phục này được cho là nguồn gốc của Kimono.

Kể từ đó, Kimono đã thay đổi hình dạng và thiết kế để phù hợp với thời đại.

Ví dụ, trong thời Heian (794~1185), sự phát triển của văn hóa quý tộc đã dẫn đến sự xuất hiện của bộ Kimono nhiều lớp vô cùng lộng lẫy dành cho các nữ quý tộc được gọi là Jūnihitoe (十二単).

Trong thời Kamakura (1185~1333) và thời Muromachi (1336~1573), quyền lực của các võ sĩ đạo tăng lên, và các hoa văn sặc sỡ đã được áp dụng cho Kimono của nam giới để làm nổi bật cá tính của họ.

Cứ như vậy, tùy theo bối cảnh lịch sử mà nhiều ý tưởng khác nhau đã được đưa vào bộ Kimono, dẫn đến hình dạng của bộ Kimono được mặc ngày nay.

Vào thời kỳ Minh Trị (1868~1912), văn hóa phương Tây du nhập vào Nhật Bản nên người Nhật bắt đầu mặc trang phục phương Tây nhiều hơn và ít mặc Kimono hơn.

Tuy nhiên, không vì thế mà Kimono trở nên lỗi thời mà hiện được mặc vào những dịp đặc biệt như các sự kiện quan trọng trong cuộc đời và các sự kiện truyền thống của Nhật Bản.

Có thể thấy Kimono là quốc phục được người Nhật yêu thích đến tận ngày nay.

(Chia theo sự kiện) Các loại Kimono dành cho nữ

Kimono có nhiều loại khác nhau phù hợp với những sự kiện khác nhau và người Nhật chọn mặc sao cho phù hợp với sự kiện đó.

Sau đây tôi sẽ giới thiệu một số loại Kimono chia theo từng sự kiện.

Đầu tiên, cùng điểm qua 8 loại Kimono dành cho phụ nữ.

Kimono dành cho phụ nữ đã có gia đình mặc để dự lễ cưới: Kuro-tomesode (黒留袖)

Kuro-tomesode là loại Kimono dành cho phụ nữ đã có gia đình, chủ yếu được mặc trong lễ cưới. Đây là loại Kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ đã lập gia đình.

Nó được đặc trưng bởi màu đen chủ đạo và hoa văn mang ý nghĩa chúc mừng như hình hạc hay rùa trên vạt áo.

Đối với phụ nữ Nhật Bản, Kuro-tomesode là trang phục chính thức được mặc bởi mẹ của cô dâu và chú rể trong lễ cưới.

Vì Kuro-tomesode là loại Kimono trang trọng nhất nên bằng việc mặc nó, mẹ của cô dâu và chú rể thể hiện sự tôn trọng đối với các khách mời. Những phụ nữ đã có gia đình nhưng không phải họ hàng của cô dâu hay chú rể không được mặc Kuro-tomesode trong lễ cưới.

Ở Nhật Bản, có những gia đình mà Kuro-tomesode được truyền từ mẹ sang con gái qua nhiều thế hệ. Không ít phụ nữ Nhật thừa hưởng Kuro-tomesode từ mẹ của họ khi lập gia đình.

Kimono dành cho phụ nữ mặc vào dịp chúc mừng: Iro-tomesode (色留袖)

Iro-tomesode là loại Kimono dành cho phụ nữ (chưa có gia đình lẫn đã có gia đình) mặc vào các dịp chúc mừng. Đây là một trong những bộ Kimono mang ý nghĩa trang trọng sau Kuro-tomesode.

Hiểu đơn giản thì Iro-tomesode chính là Kuro-tomesode phiên bản không phải màu đen. Các màu được sử dụng thường là tím, xanh lam, xám, hồng và vàng… và đều có đặc điểm chung là tông màu nhạt.

Đối với phụ nữ Nhật Bản, Iro-tomesode được xem là:

  • Trang phục chính thức mà người thân của cô dâu & chú rể (như bà, dì, chị, em gái…) mặc trong lễ cưới
  • Trang phục chính thức của khách nữ không phải là người thân của cô dâu & chú rể (như đồng nghiệp, bạn bè…) mặc trong lễ cưới

Trong khi nhiều phụ nữ Nhật Bản chọn âu phục để tham dự lễ cưới kiểu phương Tây thì cũng có những người chọn mặc Iro-tomesode. Việc mặc Iro-tomesode sẽ giúp cho không khí lễ cưới thêm phần long trọng và cũng khiến cho phía cô dâu & chú rể cảm kích hơn.

Kimono dành cho cô dâu mặc trong lễ cưới tại đền thần: Shiromuku (白無垢)

Shiromuku là loại Kimono dành riêng cho cô dâu mặc trong lễ cưới tổ chức tại đền thần. Nó mang ý nghĩa tương tự như là váy cưới.

Shiromuku đặc trưng bởi mặt trước và mặt sau đều màu trắng. Vì màu trắng có thể được nhuộm thành bất kỳ màu nào nên bộ Shiromuku mang ý nghĩa là từ giờ, cô dâu sẽ “được nhuộm thành màu của nhà chồng”, tức sẽ thay đổi để phù hợp với gia phong bên chồng.

Kimono dành cho cô dâu mặc trong lễ cưới tại đền thần: Iro-uchikake (色打掛)

​​Iro-uchikake cũng là loại Kimono dành riêng cho cô dâu mặc trong lễ cưới tổ chức tại đền thần. Nó được nhuộm bằng các màu khác với màu trắng và có các hoa văn như hạc và rùa, những biểu tượng được cho là điềm lành ở Nhật Bản.

​​Iro-uchikake thường được mặc sau Shiromuku để thay đổi. Việc thay bộ Shiromuku trắng tinh thành bộ Iro-uchikake đầy màu sắc mang ý nghĩa “cô dâu đã được nhuộm thành màu của nhà chồng”, tức đã là người của nhà chồng.

Kimono dành cho phụ nữ chưa lập gia đình mặc vào dịp chúc mừng: Furisode (振袖)

Furisode là loại Kimono dành cho phụ nữ chưa lập gia đình mặc vào các dịp chúc mừng. Đây là loại Kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ chưa lập gia đình.

Đặc trưng lớn nhất của Furisode là tay áo rất dài.

Phụ nữ Nhật Bản ngày xưa sẽ vẫy tay áo dài để bày tỏ tình cảm với người đàn ông mà họ yêu, vì vậy Furisode được xem là loại Kimono dành cho phụ nữ chưa kết hôn.

Ngoài ra, Furisode cũng là trang phục chính thức dành cho phụ nữ Nhật Bản mặc trong lễ Thành nhân (quốc lễ chúc mừng những người tròn 20 tuổi tại Nhật).

Có nhiều giả thuyết khác nhau về việc mặc Furisode trong lễ Thành nhân. Có người nói rằng “mặc một bộ Furisode trang trọng sẽ khiến cho cô gái đó nhận thức rằng mình đã thành người lớn”, cũng có người nói “Furisode với phần tay áo dài sẽ giúp xua đuổi vận rủi để người đó có một cuộc sống hạnh phúc sau khi trưởng thành”.

Ngoài ra, Furisode cũng được mặc như lễ phục cho các buổi lễ tốt nghiệp đại học.

Trong trường hợp này, Furisode sẽ được mặc cùng một chiếc quần ống rộng gọi là Hakama (袴).

Một cô gái mặc trang phục Kimono cùng quần Hakama

Kimono mặc trong tang lễ: Kuro-mofuku (黒喪服)

Kuro-mofuku là loại Kimono dành cho phụ nữ (chưa có gia đình lẫn đã có gia đình) mặc trong tang lễ.

Giống như Kuro-tomesode, Kuro-mofuku có màu chủ đạo là màu đen nhưng sẽ không có hoa văn trên vạt áo, chỉ có gia huy (biểu tượng thể hiện dòng dõi, địa vị của gia tộc) ở sau hai tay áo, hai bên ngực và sau lưng.

Đối với phụ nữ Nhật Bản, Kuro-mofuku là trang phục chính thức của người chịu tang chính và người thân trong đám tang và lễ truy điệu.

Kimono dành cho phụ nữ mặc để đi tiệc: Hōmongi (訪問着)

Hōmongi là loại Kimono dành cho phụ nữ (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc để dự tiệc liên hoan hoặc tiệc chúc mừng.

Hōmongi đặc trưng với họa tiết trải dài từ thân trên đến vạt áo, trông rất thời trang.

Đối với phụ nữ Nhật Bản, Hōmongi được xem là:

  • Trang phục bán chính thức (chỉn chu nhưng không quá trang trọng) mà khách nữ mặc trong lễ cưới
  • Trang phục bán chính thức mặc trong các buổi liên hoan hoặc họp mặt
  • Trang phục bán chính thức mặc để đi xem kịch hay hòa nhạc

Không chỉ được mặc cho những dịp trang trọng như lễ cưới, Hōmongi cũng thường được mặc đến những buổi tiệc có phần sôi động như một trang phục mang tính thời trang.

Kimono dành cho phụ nữ mặc vào các buổi tiệc nhẹ như tiệc trà đạo: Tsukesage (付け下げ)

Nguồn: Amazon

Tsukesage là loại Kimono dành cho phụ nữ (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc để dự những buổi tiệc nhẹ.

Tương tự như Hōmongi, từ thân trên đến vạt áo của Tsukesage đều có hoa văn nhưng ít hơn và giản dị hơn.

Đối với phụ nữ Nhật Bản, Tsukesage được xem là:

  • Trang phục bán chính thức (chỉn chu nhưng không quá trang trọng) mặc trong các sự kiện truyền thống của Nhật Bản như tiệc trà đạo
  • Trang phục bán chính thức mặc trong những buổi tiệc ăn uống

Vì Tsukesage có phần giản dị hơn Hōmongi nên nó thường được mặc trong các buổi tiệc trà đạo được tổ chức trong không gian yên tĩnh, hoặc trong các bữa tiệc ăn uống hơi trang trọng một chút.

Kimono dành cho phụ nữ mặc thường ngày hoặc mặc để dự tiệc nhẹ mang tính thân mật: Iromuji (色無地)

Iromuji là loại Kimono dành cho phụ nữ (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc trong nhiều dịp khác nhau.

Không giống những bộ Kimono đã được giới thiệu trên đây, đặc điểm của Iromuji là không có bất kỳ hoa văn nào. Trừ màu đen, nó được nhuộm bằng một màu duy nhất như hồng, tím, xanh lá cây…

Iromuji có thể sử dụng trong nhiều dịp khác nhau tùy vào việc trên áo có in gia huy hay không và số lượng gia huy là bao nhiêu cái.

Ví dụ như:

  • Không có gia huy: mặc thường ngày
  • Có 1 gia huy (giữa lưng): được mặc giống như Tsukesage
  • Có 3 gia huy (1 ở giữa lưng và 2 ở hai bên tay áo): được mặc giống như Hōmongi. Thậm chí nếu màu chủ đạo của Iromuji là màu tối (như xám, xanh thẫm) thì kết hợp cùng đai lưng màu đen sẽ có thể mặc như Kimono tang bán chính thức.

Có thể thấy Iromuji là một bộ Kimono linh hoạt, dễ mặc cho bất kỳ dịp nào.

Với những ai thường xuyên gặp gỡ người khác thì có sẵn một bộ Iromuji sẽ rất tiện.

(Chia theo sự kiện) Các loại Kimono dành cho nam

Tiếp theo là 3 loại Kimono dành cho nam mặc trong những sự kiện khác nhau.

Kimono dành cho nam giới mặc vào dịp quan trọng: Kuro-montsuki (黒紋付)

Kuro-montsuki là loại Kimono dành cho nam giới (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc vào các dịp quan trọng. Cụ thể là 4 dịp: lễ Thành nhân, lễ cưới, đám tang và lễ cúng bái tổ tiên. Kuro-montsuki là loại Kimono trang trọng tương đương Kuro-tomesode hay Kuro-mofuku của phái nữ.

Kuro-montsuki có màu đen tuyền sang trọng với 2 phần chính: thân trên là một chiếc Kimono ngắn và áo khoác (gọi là “Haori”, 羽織), thân dưới là quần ống rộng (gọi là “Hakama”, 袴).

Đây là loại Kimono trang trọng nhất trong số các bộ Kimono dành cho nam giới. Kuro-montsuki được xem là:

  • Trang phục chính thức được bố của cô dâu và chú rể mặc trong lễ cưới
  • Trang phục mà chú rể mặc trong lễ cưới tại đền thần
  • Trang phục chính thức mà nam giới mặc ở đám tang

Ở Nhật Bản ngày nay, bên cạnh nhiều người đàn ông chọn âu phục để tham dự lễ cưới hoặc đám tang thì cũng có những người vẫn chọn mặc Kuro-montsuki vào những sự kiện quan trọng như một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người tham gia nghi lễ.

Kimono dành cho nam giới mặc vào dịp chúc mừng: Iro-montsuki (色紋付)

Iro-montsuki là loại Kimono dành cho nam giới (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc vào các dịp chúc mừng. Nó tương đương với bộ Kimono Iro-tomesode của phụ nữ.

Hình dung đơn giản thì Iro-montsuki là Kuro-montsuki phiên bản không phải màu đen. Có rất nhiều màu sắc được sử dụng như xám, trắng, xanh thẫm hay tím…

Đối với nam giới Nhật Bản, Iro-montsuki là:

  • Trang phục chính thức của chú rể mặc trong lễ cưới
  • Trang phục lịch sự mà khách nam mặc khi tham dự lễ cưới
  • Trang phục chính thức của nam giới mặc trong lễ Thành nhân

Mặc Iro-montsuki tham gia một sự kiện sẽ làm bầu không khí của sự kiện trở nên tươi vui hơn nên nhiều người đàn ông Nhật Bản chọn mặc Iro-montsuki thay vì lễ phục kiểu phương Tây để đi dự tiệc.

Kimono dành cho nam giới mặc thường ngày hoặc mặc để dự tiệc nhẹ mang tính thân mật: Omeshi (御召)

Omeshi là loại Kimono dành cho nam giới (đã có gia đình lẫn chưa có gia đình) mặc trong nhiều dịp khác nhau. Nó tương đương với bộ Kimono đơn sắc Iromuji của phụ nữ.

Tùy vào việc trên áo có in gia huy hay không mà Omeshi sẽ được mặc vào những dịp khác nhau.

Nếu không có gia huy, nó có thể được mặc thường ngày; nếu có gia huy, nó có thể được mặc vào các buổi tiệc nhẹ mang tính thân mật.

Đối với nam giới Nhật Bản, Omeshi là:

  • Bộ Kimono mặc thường ngày
  • Trang phục bán chính thức (chỉn chu nhưng không quá trang trọng) mặc vào các sự kiện truyền thống của Nhật Bản như tiệc trà đạo
  • Trang phục bán chính thức mặc vào các buổi họp mặt hay tiệc ăn uống
  • Trang phục bán chính thức mặc để đi xem kịch hay hòa nhạc

Omeshi là một bộ Kimono rất dễ mặc dành cho đàn ông Nhật Bản.

(Chia theo sự kiện) Các loại Kimono mà cả nam và nữ đều có thể mặc

Ngoài ra còn có những bộ Kimono mà cả nam và nữ đều có thể mặc. Cụ thể có 3 loại sau đây.

Kimono mặc để đi chơi: Komon (小紋)

Komon là loại Kimono chủ yếu được mặc khi đi chơi. Komon đặc trưng bởi các hoa văn lặp đi lặp lại được in trên khắp bộ Kimono.

Đối với người Nhật, Komon giống như một bộ trang phục thời trang mặc khi ra ngoài.Sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn hình dung nó giống như trang phục bạn mặc đi gặp gỡ bạn bè hay hẹn hò.

Kimono mặc thường ngày: Tsumugi (紬)

Tsumugi là loại Kimono chủ yếu được mặc như quần áo bình thường. Tsumugi thường có hoa văn sọc hoặc ca-rô.

Do độ bền của vải, người Nhật sử dụng Tsumugi như quần áo thông thường và được mặc lại nhiều lần.

Kimono mặc khi tham gia lễ hội mùa hè hay khi trọ lại lữ quán: Yukata (浴衣)

Yukata là loại Kimono được mặc chủ yếu tại các lễ hội mùa hè hay tại các lữ quán. Chất liệu vải được sử dụng rất thoáng khí và có khả năng thấm hút cao.

So với các loại Kimono khác, Yukata đơn giản và dễ mặc hơn vì khi mặc Yukata bạn không cần mặc kèm những loại đồ lót và phụ kiện sau:

  • Áo lót Nagajuban
  • Khăn Obi-age
  • Dây Obi-jime
  • Tất Tabi
  • Dép Zōri

Đối với người Nhật, Yukata được xem là:

  • Trang phục mặc tại các sự kiện mùa hè như lễ bắn pháo hoa và lễ hội
  • Đồ ngủ khi trọ tại các lữ quán

Nếu bạn đến thăm Nhật Bản vào mùa hè, bạn sẽ thấy rất nhiều người Nhật Bản đi dạo trong bộ Yukata. Có thể nói rằng nếu bạn nhìn thấy ai đó mặc Yukata thì chắc hẳn là gần đó đang có một lễ hội hoặc lễ bắn pháo hoa được tổ chức.

Ngoài ra, ở một số lữ quán, Yukata cũng có thể được sử dụng như đồ ngủ.

Vào thời Edo (1603~1868), Yukata ra đời như một bộ Kimono dùng để mặc sau khi tắm ở Sento (nhà tắm công cộng). Do hầu hết lữ quán ở Nhật đều có Onsen (suối khoáng nóng truyền thống) nên ngày nay, một số lữ quán vẫn cung cấp Yukata cho khách trọ như một dịch vụ giúp trải nghiệm tiện nghi và thú vị hơn.

Chính vì vậy, nếu bạn du lịch đến Nhật Bản và có dự định trọ lại lữ quán thì có thể Yukata sẽ là loại Kimono đầu tiên mà bạn được mặc thử.

Tại sao hầu hết Kimono của Nhật Bản lại đắt tiền?

Có nhiều loại Kimono và hầu hết chúng đều đắt tiền. Đó là vì hầu hết các loại Kimono đều có 2 đặc điểm sau:

Được làm bằng lụa nguyên chất

Hầu hết các bộ Kimono đều được làm bằng lụa nguyên chất.

Lụa nguyên chất là chất liệu đắt tiền nhất của Kimono. Một số loại lụa nguyên chất có giá hơn 10.000 yên cho một kí.

Ngoài ra, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để nhuộm, dệt và xử lý lụa để làm thành Kimono nên thường giá sẽ cao.

Được làm thủ công bởi các nghệ nhân

Việc được làm thủ công bởi các nghệ nhân cũng là lí do khiến Kimono đắt tiền.

Có thể nói, một bộ Kimono càng mất nhiều thời gian và công sức để chế tác thì càng đắt.

Cách mặc Kimono

Có 2 cách để mặc Kimono.

Nhờ chuyên gia Kitsukeshi

Chuyên gia hỗ trợ mặc Kimono trong tiếng Nhật gọi là “Kitsukeshi” (着付け師).

Ngày nay, ngay cả người Nhật cũng không có nhiều cơ hội mặc Kimono nên không nhiều người biết mặc Kimono.

Vì vậy, những ai không quen mặc Kimono thường nhờ các chuyên gia Kitsukeshi hỗ trợ khi có dịp cần mặc Kimono.

Đặc biệt, những bộ Kimono trang trọng như Kuro-tomesode và Iro-tomesode có cách mặc khá phức tạp nên người Nhật thường nhờ chuyên gia Kitsukeshi trợ giúp.

Đối với những bộ Kimono không quá trang trọng, như Yukata chẳng hạn, nếu không quen mặc thì bạn cũng có thể nhờ chuyên gia trợ giúp.

Bạn có thể tìm gặp chuyên gia Kitsukeshi ở những địa điểm sau:

  • Cửa hàng cho thuê Kimono
  • Lớp dạy cách mặc Kimono
  • Salon làm tóc

Chi phí cho một lần nhờ chuyên gia Kitsukeshi sẽ thay đổi tùy theo loại Kimono, trung bình khoảng 2.000 yên ~ 5.000 yên.

Tự mặc

Trừ những bộ Kimono quá phức tạp, đối với những bộ Kimono có thiết kế đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự mặc nếu học cách mặc chúng.

Có 2 cách để học cách mặc Kimono:

Tìm đọc các bài viết trên mạng hoặc xem Youtube

Hiện nay, rất nhiều bài viết trên mạng hoặc Youtube có hướng dẫn cách mặc Kimono.

Phần lớn video là do các cửa hàng Kimono và chuyên gia Kitsukeshi đăng tải nên có thể tin cậy. Khi muốn học cách mặc Kimono đúng và nhanh nhất hoặc khi muốn học cách mặc mà không phải tốn nhiều tiền thì nhiều người Nhật thường tự tra cứu theo cách này.

Học cùng chuyên gia Kitsukeshi

Chuyên gia Kitsukeshi không chỉ là người hỗ trợ mặc Kimono khi cần thiết mà còn là thầy dạy về cách mặc Kimono.Khi muốn tự mặc Kimono đúng cách, nhiều người Nhật thường theo học trực tiếp với chuyên gia Kitsukeshi.

Bạn có thể liên hệ các lớp dạy mặc Kimono để đăng kí học cùng chuyên gia Kitsukeshi.

Những nơi có thể trải nghiệm mặc thử Kimono

Nếu bạn đã đọc đến đây và rất muốn mặc thử Kimono thì tôi có 2 nơi gợi ý cho bạn. Nếu có quan tâm thì bạn hãy tìm thử nhé.

Cửa hàng cho thuê Kimono

Đây là những cửa hàng mà bạn có thể thuê Kimono để mặc trong khoảng thời gian quy định.

Ở cửa hàng cho thuê Kimono thường có nhân viên hỗ trợ mặc Kimono nên bạn có thể yên tâm dù lần đầu mặc thử.

Tại cửa hàng cho thuê Kimono, bạn có thể trải nghiệm tất cả các loại Kimono được giới thiệu trên đây. Nếu thuê để mặc trong lúc tham quan, bạn có thể chọn Yukata vào mùa hè, hoặc Komon và Tsumugi vào các mùa khác.

Giá thuê Kimono dao động từ 3.000 yên ~ 10.000 yên/ người.

Các cửa hàng cho thuê Kimono rất dễ tìm thấy ở các khu du lịch, bạn hãy tìm thử nhé.

Lớp dạy cách mặc Kimono

Lớp dạy cách mặc Kimono là nơi bạn có thể học cách mặc Kimono chuẩn xác nhất.

Về cơ bản, lớp dạy cách mặc Kimono vốn dành cho những ai muốn học cách mặc Kimono một cách kĩ càng, nhưng cũng có một số lớp học có tổ chức khóa trải nghiệm ngắn hạn trong một ngày để khách du lịch có thể học và mặc thử ngay.

Nếu bạn muốn học cách mặc Kimono trước rồi mới mặc thử thì lớp dạy cách mặc Kimono là gợi ý dành cho bạn.

Chi phí trải nghiệm học và mặc thử Kimono ở lớp dạy cách mặc Kimono dao động từ khoảng 3.000 yên ~ 10.000 yên/ người.

Có rất nhiều lớp dạy cách mặc Kimono ở Nhật nhưng để chắc chắn, bạn nên tìm hiểu trước xem nơi bạn đến có lớp không nhé.

Những nơi có thể mua Kimono

Cuối cùng, tôi sẽ giới thiệu 4 địa điểm chính mà bạn có thể mua Kimono.

Nếu bạn đang tìm mua Kimono để làm quà hay để mặc trong cuộc sống thường nhật thì hãy tham khảo nhé.

Cửa hàng bán Kimono trong thương xá hoặc trung tâm mua sắm

Trong thương xá hoặc trung tâm mua sắm gần như luôn có cửa hàng bán Kimono.

Hầu hết các bộ Kimono được giới thiệu trong bài viết này đều có nên người Nhật thường đến những cửa hàng này khi họ muốn mua Kimono.

Bạn có thể tìm thấy các cửa hàng bán Kimono ở tầng thời trang của các thương xá hoặc trung tâm mua sắm.

Cửa hàng chuyên bán Kimono do cá nhân kinh doanh

Các cửa hàng Kimono do cá nhân kinh doanh cũng bán rất nhiều loại Kimono.

Nhiều cửa hàng trong số này là do các gia đình điều hành qua nhiều thế hệ. Do có những bộ Kimono độc quyền nên giá có thể sẽ đắt hơn các dạng cửa hàng Kimono khác.

Ngoài ra, nhân viên ở đây rất am hiểu về Kimono nên nếu bạn cho biết muốn mua Kimono cho dịp gì thì họ sẽ có thể gợi ý cho bạn bộ Kimono phù hợp.

Các cửa hàng chuyên bán Kimono do cá nhân kinh doanh thường được tìm thấy ở các thị trấn.

Tùy vào nơi bạn đến mà có thể sẽ không tìm thấy cửa hàng như vậy, nên nếu muốn đi thử thì bạn nên kiểm tra trước nhé.

Mua qua mạng

Bạn cũng có thể mua Kimono qua mạng.

Tùy cửa hàng mà các loại Kimono được bán sẽ khác nhau, nhưng hầu hết các loại Kimono được giới thiệu trên đây đều có. Khi chọn mua Kimono trên mạng thì bạn nhớ lưu ý về kích cỡ nhé.

Khi gần đó không có cửa hàng Kimono hay khi cần mua Kimono gấp thì người Nhật sẽ mua Kimono qua mạng.

Một số cửa hàng còn có dịch vụ giao hàng ở nước ngoài nên nếu không tiện nhận Kimono tại Nhật Bản, bạn có thể sử dụng dịch vụ này.

Cửa hàng bán Kimono cũ

Đây là những cửa hàng chuyên bán những bộ Kimono đã qua sử dụng.

Do là Kimono đã qua sử dụng nên giá sẽ rẻ hơn so với thông thường. Người Nhật thường chọn mua Kimono cũ trong trường hợp sau:

  • Khi muốn có một bộ Kimono với giá phải chăng nhất
  • Khi có một số dịp cần mặc Kimono và muốn mua hẳn để tiết kiệm thay vì mỗi lần mặc đều phải thuê.

Không phải lúc nào cửa hàng Kimono cũ cũng có bộ Kimono mà bạn đang tìm kiếm, nhưng so với các cửa hàng Kimono khác thì giá rất phải chăng nên bạn có thể cân nhắc trong trường hợp muốn mua Kimono với giá rẻ nhất.

Các cửa hàng Kimono cũ có thể được tìm thấy trong thành phố. Tuy nhiên, bạn cũng nên kiểm tra trước xem ở nơi mà bạn đến có hay không.

Lời kết

Kimono là quốc phục của Nhật Bản. Có nhiều loại Kimono khác nhau thích hợp cho những dịp khác nhau.

Trừ trường hợp phải mặc do tính chất công việc, bình thường người Nhật không mặc Kimono. Dù vậy, Kimono là trang phục không thể thiếu đối với người Nhật vì hầu như họ luôn mặc chúng vào những dịp đặc biệt như các sự kiện quan trọng trong cuộc đời hay các sự kiện truyền thống của Nhật Bản.

Nếu bài viết này khơi gợi sự quan tâm của bạn đối với Kimono, nhất định hãy ghé cửa hàng Kimono để xem hoặc trải nghiệm mặc thử nhé.

Comment

There are no comment yet.

PAGE TOP