Trà đạo Nhật Bản trong tiếng Nhật gọi là “Sado”, “Chado” hoặc “Cha no yu”, là nghệ thuật pha trà truyền thống của Nhật Bản.
Bằng cách tìm hiểu về trà đạo Nhật Bản, bạn có thể học được các nghi thức truyền thống trong trà đạo và tinh thần hiếu khách độc đáo của Nhật Bản.
Bài viết này giới thiệu về đặc trưng và lịch sử, các trường phái, các nghi thức cơ bản, những điều quan trọng trong trà đạo Nhật Bản và những nơi bạn có thể trải nghiệm trà đạo Nhật Bản.
Đọc qua chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trà đạo Nhật Bản nên nếu có quan tâm thì bạn hãy đọc đến cuối nhé.
Trà Đạo Nhật Bản là gì?
Trà đạo Nhật Bản là một hình thức nghệ thuật trong đó người chủ trì buổi tiệc trà (gọi là 亭主, Teishu) sẽ pha trà theo nghi thức truyền thống và phục vụ cho khách.
Loại trà được phục vụ trong tiệc trà đạo là Matcha (抹茶), một loại trà Nhật Bản dạng bột mịn được xay từ lá trà xanh.
Trà được pha bằng cách cho nước nóng vào Matcha rồi đánh nhanh bằng chổi Chasen để tạo bọt. Chính vì vậy mà trong trà đạo Nhật Bản, người ta thường dùng thuật ngữ “đánh trà” để diễn tả việc pha trà.
Sở dĩ Matcha được chọn để phục vụ trong tiệc trà đạo là vì khi trà trở nên phổ biến ở Nhật Bản, người ta thường dùng cối đá (dụng cụ dùng để xay hạt) để nghiền lá trà thành bột và uống.
Các nghi thức truyền thống của trà đạo chủ yếu bao gồm những điều sau đây, từng nghi thức đều được thực hiện theo trình tự được quy định sẵn.
- Cách pha trà
- Cách vào và cách cư xử trong phòng trà đạo
- Cách uống trà
Bên cạnh các nghi thức thì những điều sau đây cũng rất quan trọng trong trà đạo Nhật Bản.
- Không gian phòng trà đạo
- Dụng cụ pha trà
- Wagashi (bánh ngọt truyền thống) dùng với trà
Những nghi thức trên đây giúp chủ nhà phục vụ trà ngon cho khách, và khách có thể hành xử chuẩn mực để tiếp nhận sự chiêu đãi của chủ nhà.
Trong trà đạo Nhật Bản, thay vì pha và phục vụ trà như chúng ta vẫn làm trong cuộc sống hàng ngày, việc tuân theo nghi thức truyền thống đặc biệt được xem trọng vì pha trà theo nghi thức là thể hiện sự quan tâm đến người uống và uống trà theo nghi thức là thể hiện sự tôn trọng đối với người pha.
Đây là lối suy nghĩ quen thuộc của tinh thần Omotenashi – tinh thần hiếu khách đặc trưng của người Nhật: “Không huênh hoang mà quan tâm, lo lắng cho người khác một cách kín đáo”. Đây là một trong những lối tư duy “tôn trọng người khác” mà người Nhật coi trọng từ xa xưa.
Nếu bạn biết về trà đạo Nhật Bản, bạn không chỉ có thể học được cách cư xử trong tiệc trà đạo truyền thống mà còn có thể học được tinh thần Omotenashi của người Nhật.
Lịch sử trà đạo Nhật Bản
Lịch sử trà đạo ở Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ thời Kamakura (1185~1333).
Một nhà sư Phật giáo tên là Eisai (栄西) đã du hành đến Trung Quốc và mang trà về Nhật Bản cùng với tôn giáo Thiền tông.
Sự phát triển vượt bậc của trà đạo được khơi mào bởi Sen no Rikyū (千利休), một bậc thầy về trà đạo.
Trà đạo thời bấy giờ vốn mang tinh thần Wabi-cha (わび茶), một nghi thức thưởng trà mộc mạc của người bình dân, chứ không phải một nghi thức thưởng trà sang trọng do giới quý tộc tổ chức. Đó là nơi mà chủ nhà và khách thưởng trà sẽ có sự kết nối chân thành. Người ta nói rằng Sen no Rikyū đã phát triển thêm Wabi-cha, bằng cách sử dụng những dụng cụ pha trà đơn giản và chú trọng tạo ra bầu không khí tĩnh lặng trong một phòng trà nhỏ, để nhấn mạnh hơn sự kết nối giữa chủ và khách.
Chẳng bao lâu sau, cách tiếp cận của Sen no Rikyū đã lan rộng khắp Nhật Bản và nó trở thành nền tảng của nghi lễ trà đạo Nhật Bản ngày nay.
Ba trường phái chính của trà đạo Nhật Bản
Có nhiều trường phái trà đạo khác nhau ở Nhật Bản được chia theo sự khác biệt về phương pháp. Mỗi trường phái thực hiện nghi lễ trà đạo theo phong cách riêng của mình.
Có ba trường phái nổi tiếng trong trà đạo Nhật Bản, được gọi là “Ba trường phái trà đạo lớn nhất”. Những trường phái này được thành lập bởi hậu duệ của Sen no Rikyū, người đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của trà đạo.
Sau đây tôi sẽ giải thích các đặc điểm của ba trường phái trà đạo lớn nhất này.
Urasenke (裏千家)
Trường phái trà đạo đầu tiên là trường phái Urasenke do Sensō Sōshitsu (仙叟宗室), con trai thứ tư của Sen Sōtan (千宗旦) – cháu của Sen no Rikyū, thành lập. “Trà đạo” trong trường phái Urasenke gọi là “Chadō” (茶道).
Urasenke là trường phái trà đạo được nghiên cứu nhiều nhất. Ở Nhật Bản, có rất nhiều lớp học và sách dạy về Urasenke, có thể nói rất nhiều người Nhật theo học nghi thức của trường phái này.
Đặc điểm của trường phái Urasenke là sự hoa mỹ của các động tác và việc áp dụng các nghi thức phù hợp với sự thay đổi của thời đại.
Ví dụ, đánh trà theo trường phái Urasenke là phải đánh thật kỹ để tạo ra lớp bọt mịn.
Ngoài ra, trường phái Urasenke đã giới thiệu một phong cách gọi là “Ryūrei” (立礼), sử dụng bàn ghế để phục vụ trà cho người nước ngoài. Thay vì ngồi trên chiếu Tatami, bạn có thể thưởng thức trà đạo thoải mái hơn với bàn và ghế.
Một đặc trưng nữa của trường phái Urasenke đó là luôn tích cực quảng bá trà đạo Nhật Bản ra toàn thế giới.
Omotesenke (表千家)
Trường phái trà đạo thứ hai là trường phái Omotesenke, được thành lập bởi Kōshin Sōsa (江岑宗左) – con trai thứ ba của Sen Sōtan. “Trà đạo” trong trường phái Omotesenke gọi là “Sadō” (茶道).
Đặc trưng của trường phái Omotesenke là các động tác rất khiêm tốn. Ví dụ, khi đánh trà thì người ta thường không tạo nhiều bọt.
Trái ngược với trường phái Urasenke, trường phái Omotesenke coi trọng các nghi thức truyền thống.
Mushakōjisenke (武者小路千家)
Trường phái thứ ba đó là trường phái Mushakōjisenke, được thành lập bởi Ichiō Sōshu (一翁宗守) – con trai thứ hai của Sen Sōtan.
Đặc điểm của trường phái Mushakōjisenke tương đối giống với trường phái Omotesenke, đó là các động tác rất khiêm tốn và hạn chế các nghi thức dư thừa. Ví dụ, phòng trà không hào nhoáng mà được trang trí hết sức giản dị.
Trường phái Mushakōjisenke coi trọng việc dành thời gian để thưởng thức trà nên người ta không dùng cách gọi trang trọng là “Sadō” hay “Chadō” mà gọi là “Cha no yu” (茶の湯), tạm dịch là buổi tiệc trà vui vẻ.
Sự hấp dẫn của trà đạo Nhật Bản
Sự hấp dẫn của trà đạo Nhật Bản là gì?
Trà đạo Nhật Bản không chỉ là uống trà.
Bằng cách tham gia tiệc trà đạo, bạn có thể trải nghiệm sự thay đổi của các mùa trong năm ở Nhật Bản, giúp tâm trí được thư giãn, đồng thời học được tinh thần “Omotenashi” (lòng hiếu khách) và “những động tác đầy tính thẩm mỹ”.Từ đó, tôi chắc rằng bạn sẽ ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống Nhật Bản hơn.
Tham quan và ngắm nhìn các tòa thành cổ hay các ngôi chùa của Nhật Bản tuy cũng rất thú vị nhưng với trà đạo bạn sẽ có thể trải nghiệm một cách thực tế.Tôi nghĩ điểm hấp dẫn nhất của trà đạo là bạn có thể trực tiếp trải nghiệm văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Tại sao bạn không trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật Bản thông qua trà đạo – điều mà bạn không thể dễ dàng cảm nhận được giữa cuộc sống thành thị thường ngày ở Nhật Bản?
Trình tự cơ bản trong một buổi tiệc trà đạo Nhật Bản
Ở đây, tôi sẽ giải thích trình tự cơ bản trong một buổi tiệc trà đạo Nhật Bản. Nó có thể thay đổi tùy thuộc vào trường phái, nhưng nếu bạn biết trình tự cơ bản, bạn có thể yên tâm khi tham gia một buổi tiệc trà đạo.
Vào phòng trà đạo
Như đã giới thiệu ở trên, trong trà đạo, chủ nhà rất chú trọng đến không gian phòng trà để chiêu đãi khách.
Tùy theo trường phái mà bầu không khí của phòng trà sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản khi vừa bước vào, bạn sẽ được chào đón bởi những đồ trang trí như bình hoa (ikebana) hoặc tranh cuộn (kakejiku).
Nếu phía chủ nhà có những nghi thức thể hiện sự chu đáo thì phía khách cũng có những hành xử thể hiện phép lịch sự.
Những điều cơ bản cần làm khi bước vào phòng trà là:
- Tháo tất cả các phụ kiện, đồng hồ… để tránh làm trầy xước các dụng cụ dùng trong trà đạo.
- Hãy đi tất trắng để tránh làm hỏng chiếu Tatami trong phòng trà.
- Quỳ xuống rồi mới kéo mở cửa (cửa này gọi là “Shōji”) vào phòng trà, để tránh nhìn chủ nhà từ trên xuống, thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhà.
- Bước vào và không dẫm lên mép chiếu Tatami. Mép chiếu có ý nghĩa phân biệt giữa chủ và khách, vì vậy dẫm lên mép chiếu sẽ làm mất đi ý nghĩa này.
Chào chủ nhà
Khi bạn bước vào phòng trà, trước tiên hãy chào chủ nhà – người sẽ phụ trách pha trà.
Khi đã yên vị, hãy cúi đầu và nói “Yoroshiku onegaishimasu”.
Sau đó, thông thường chủ nhà sẽ chào hỏi trước khi bắt đầu buổi trải nghiệm trà đạo.
Lúc này, khách đáp lại lời chào. Hãy bày tỏ lòng biết ơn của bạn khi có thể tham gia trải nghiệm trà đạo, chẳng hạn đáp lại bằng câu “Honjitsu ha omaneki itadaki arigatōgozaimasu” (nghĩa là: “Cảm ơn vì đã mời tôi hôm nay”).
Ăn bánh Wagashi (bánh ngọt truyền thống)
Trong trà đạo, người ta thường phục vụ Wagashi (còn gọi là “Chagashi”) để tăng hương vị của trà.
Tùy theo buổi tiệc trà mà loại Wagashi được phục vụ sẽ khác nhau, tuy nhiên thường sẽ là bánh Rakugan hay bánh Nerikiri.
Bánh Rakugan
Một loại Wagashi được làm từ bột gạo (hay bột ngũ cốc) trộn với đường và Mizuame (siro tinh bột).
Bánh Nerikiri
Một loại Wagashi được làm bằng cách nhào đường, Yamaimo (một loại khoai mỡ), bột nếp Mijinko cùng với đậu trắng.
Wagashi thường được phục vụ trong một chiếc khay (gọi là “Kashiki”) với số lượng vừa đúng với số người tham gia.
Sau khi chủ nhà gợi ý “Mời dùng bánh”, bạn hãy cúi chào người khách tiếp theo, nói “Osakini” (nghĩa là “tôi xin nhận bánh trước”). Hãy lấy phần Wagashi của mình, rồi đẩy khay cho người tiếp theo.
Sau khi đã lấy bánh, bạn hãy ăn nó. Lí do nên ăn bánh Wagashi trước khi uống trà là vì vị ngọt của bánh đọng lại trong miệng sẽ giúp cảm nhận trà ngon hơn.
Trong bài viết “Wagashi là gì? Đặc điểm, phân loại và những nơi bạn có thể ăn Wagashi”, tôi có giới thiệu rất chi tiết về bánh Rakugan hay Nerikiri thường được phục vụ trong tiệc trà đạo, và cả cách ăn bánh Wagashi của Nhật Bản. Nếu bạn có kế hoạch tham gia trải nghiệm tiệc trà đạo thì hãy tham khảo nhé.
Uống trà
Sau khi ăn bánh Wagashi, bạn hãy uống trà theo nghi thức sau.
- Nói “Otemae chōdaishimasu” (tạm dịch: “Tôi xin nhận trà”) và cúi đầu.
- Dùng tay phải cầm chén trà và đặt chén trà lên lòng bàn tay trái.
- Xoay chén trà một góc 180 độ (chia thành 2 lần xoay, mỗi lần 90 độ), xoay từ trái hay phải đều được. Hành động này là để chính diện của chén trà (tức phần có hoa văn hoặc phần đẹp nhất của chén) không hướng về phía mình mà hướng về phía chủ nhà, thể hiện sự kính trọng đối với chủ nhà.
Ngắm chén trà
Sau khi uống trà, bạn hãy ngắm chén trà.
Trong trà đạo, chủ nhà đặc biệt quan tâm đến dụng cụ pha trà dùng để đãi khách. Những chiếc chén trà là những vật rất gắn bó với chủ nhà.Việc ngắm chén trà để cảm nhận sự gắn bó đó là một nghi thức trong trà đạo.
Hãy đặt chén trà xuống chiếu Tatami sao cho không chồng lên mép chiếu, và hơi cúi người về trước để ngắm nó.
Chào tạm biệt chủ nhà
Sau khi ngắm chén trà xong, hãy nói ” Arigatōgozaimasu” (nghĩa là: “Cảm ơn”) như lời chào tạm biệt đến chủ nhà và kết thúc buổi tiệc trà đạo.
Những điều quan trọng trong trà đạo Nhật Bản
Điều quan trọng trong trà đạo Nhật Bản là “Shiki Shichisoku” (四規七則, nghĩa là “4 đức tính, 7 nguyên tắc”).
“Shiki Shichisoku” là lời của Sen no Rikyū – người đã phát triển nghệ thuật trà đạo. “Shiki Shichisoku” cũng là suy nghĩ nền tảng của tinh thần Omotenashi (lòng hiếu khách) ở Nhật Bản ngày nay.
Dưới đây là “4 đức tính” và “7 nguyên tắc” mà Sen no Rikyū đề ra.
Shiki (4 đức tính)
Trong trà đạo, để thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, cả chủ và khách đều cần ghi nhớ 4 phương châm sau.
- Hòa (和, đọc là “Wa”): Mở lòng và hòa thuận với nhau
- Kính (敬, đọc là “Kei”): Kính trọng nhau
- Thanh (清, đọc là “Sei”): Thanh lọc tâm trí cũng như những gì hữu hình
- Tịch (寂, đọc là “Jaku”): Giữ lòng thanh thản, không vướng bận
*Nguồn tham khảo: お茶の心ってなんだろう | 裏千家ホームページ 茶の湯に出会う、日本に出会う
Shichisoku (7 nguyên tắc)
Sau đây là 7 nguyên tắc cơ bản quan trọng trong trà đạo.
- Pha trà bằng cả tấm lòng
- Chuẩn bị thật kỹ than củi để đun nước
- Cắm hoa sao cho thật tự nhiên, tôn trọng sự sống như nó vốn có.
- Trân trọng cảm giác về các mùa trong năm
- Trân trọng thời gian, luôn chuẩn bị thời gian dư dả để không bị cập rập
- Chuẩn bị và sẵn sàng hành động một cách bình tĩnh cho dù có chuyện gì xảy ra
- Tôn trọng lẫn nhau và dành thời gian vui vẻ bên nhau.
*Nguồn tham khảo: お茶の心ってなんだろう | 裏千家ホームページ 茶の湯に出会う、日本に出会う
Nếu có cơ hội tham gia trải nghiệm trà đạo ở Nhật, bạn hãy nhớ lại 4 đức tính và 7 nguyên tắc này nhé.
Những nơi có thể trải nghiệm trà đạo Nhật Bản
Cuối cùng, tôi sẽ giới thiệu 4 địa điểm chính mà bạn có thể trải nghiệm trà đạo Nhật Bản.
Nếu bạn đã đọc đến đây và cảm thấy muốn trải nghiệm một buổi trà đạo, hãy tìm đến những địa điểm sau.
Lớp học trà đạo
Lớp học trà đạo là nơi điển hình nhất mà bạn có thể trải nghiệm trà đạo Nhật Bản. Người Nhật cũng tìm đến lớp học này đầu tiên khi họ muốn học trà đạo một cách bài bản.
Thông thường, bạn cần phải dành nhiều thời gian để lui tới lớp học trà đạo nếu muốn học từ căn bản, nhưng có rất nhiều lớp học có tổ chức các buổi học một lần dưới dạng trải nghiệm. Buổi học một lần này rất phù hợp cho những người đến thăm Nhật Bản trong một thời gian ngắn, như khách du lịch chẳng hạn, và muốn trải nghiệm một buổi trà đạo truyền thống ít nhất một lần.
Hãy tra thử xem nơi bạn sắp đến có lớp học trà đạo hay không, và nếu có, hãy kiểm tra xem họ có tổ chức lớp trải nghiệm trà đạo không nhé.
Giá trải nghiệm trà đạo do lớp học trà đạo tổ chức tầm khoảng 2.000 yên ~ 5.000 yên/ người.
Cửa hàng bánh Wagashi
Vì bánh Wagashi được phục vụ trong tiệc trà đạo nên một số cửa hàng bánh Wagashi cũng có tổ chức trải nghiệm trà đạo.
Điểm hấp dẫn của việc trải nghiệm trà đạo tại cửa hàng bánh Wagashi là bạn có thể thưởng thức các loại bánh được bán tại cửa hàng, đặc biệt là các loại bánh Wagashi tươi được làm vào ngày hôm đó.
Nếu tìm thấy loại bánh Wagashi yêu thích trong buổi trải nghiệm trà đạo, bạn cũng có thể mua mang về.
Người Nhật thường chọn trải nghiệm trà đạo tại cửa hàng bánh Wagashi khi họ vừa muốn trải nghiệm trà đạo vừa muốn biết loại bánh Wagashi nào phù hợp với Matcha.
Giá của một buổi trải nghiệm trà đạo tại cửa hàng bánh Wagashi tầm khoảng 1.000 yên ~ 2.000 yên/ người.
Chùa Nhật Bản
Ở chùa cũng có tổ chức trải nghiệm trà đạo.
Trong không gian tĩnh lặng của chùa, bạn có thể vừa học trà đạo vừa rèn luyện đức tính “Tịch” – giữ lòng thanh tịnh dù trong hoàn cảnh nào.
Một số ngôi chùa còn có lớp Thiền định sau khi trải nghiệm trà đạo.Một số người Nhật đến chùa để trải nghiệm trà đạo khi họ muốn thanh lọc lại tâm trí và cơ thể.
Không phải tất cả các ngôi chùa ở Nhật Bản đều có tổ chức trải nghiệm trà đạo, nên nếu có quan tâm, bạn nên tìm hiểu trước xem ngôi chùa mà bạn tính đến có tổ chức hay không.
Giá của một buổi trải nghiệm trà đạo tại chùa tầm khoảng 1.500 yên ~ 3.000 yên/ người.
Cửa hàng bán Kimono
Trong trà đạo, trang phục truyền thống của Nhật Bản là Kimono được mặc rất nhiều nên đôi khi bạn cũng có thể trải nghiệm trà đạo tại các cửa hàng bán Kimono.
Điểm hấp dẫn của việc trải nghiệm trà đạo tại cửa hàng bán Kimono là bạn có thể vừa mặc Kimono vừa học trà đạo. Bằng cách thuê Kimono được bán tại cửa hàng, bạn có thể mặc nó và tham gia trải nghiệm trà đạo.
Mặc dù Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản nhưng người Nhật hiện đại hiếm khi mặc Kimono trong cuộc sống hàng ngày. Để tìm hiểu về văn hóa truyền thống Nhật Bản, một số người Nhật chọn tham gia trải nghiệm trà đạo trong trang phục Kimono tại cửa hàng bán Kimono.
Giá của một buổi trải nghiệm trà đạo tại cửa hàng bán Kimono tầm khoảng 8.000 yên ~ 10.000 yên/ người.
Lớp dạy cách mặc Kimono
Bạn cũng có thể trải nghiệm trà đạo trong lớp dạy cách mặc Kimono.
Điểm hấp dẫn của việc trải nghiệm trà đạo tại lớp dạy cách mặc Kimono là bạn có thể học cả cách mặc Kimono lẫn các nghi thức trong trà đạo.
Nếu như ở cửa hàng bán Kimono bạn chỉ có thể thuê Kimono để mặc trong lúc trải nghiệm trà đạo thì ở các lớp dạy cách mặc Kimono bạn sẽ được dạy cách mặc Kimono rồi mới tham gia trà đạo.
Như đã đề cập ở trên, ngày nay có rất ít cơ hội để người Nhật mặc Kimono trong cuộc sống hàng ngày nên có rất nhiều người Nhật không biết cách mặc kimono. Đây là địa điểm lý tưởng cho những bạn muốn học cách mặc Kimono để có thể tự mặc Kimono và tham gia trải nghiệm trà đạo.
Giá của một buổi trải nghiệm trà đạo tại lớp dạy cách mặc Kimono tầm khoảng 12.000 yên ~ 15.000 yên/ người.
Lời kết
Trà đạo là một nghệ thuật cho phép bạn tìm hiểu về nghi thức trà đạo truyền thống của Nhật Bản cũng như tinh thần hiếu khách độc đáo của người Nhật.
Bạn có thể học trà đạo ở rất nhiều nơi, từ các lớp học chuyên môn về trà đạo đến các cửa hàng bánh Wagashi, tại chùa, tại cửa hàng bán Kimono và tại các lớp dạy cách mặc Kimono chẳng hạn.
Nhất định hãy trải nghiệm trà đạo tại địa điểm mà bạn yêu thích nhé.
Comment