-Wa- Japan Web Magazine

Wagashi

Wagashi là gì? Đặc điểm, phân loại và những nơi bạn có thể ăn Wagashi

Wagashi là một trong những loại đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản.Có nhiều loại Wagashi khác nhau, mỗi loại có hương vị và kết cấu khác nhau.

Điểm hấp dẫn của Wagashi là bạn có thể ăn trong quán hoặc mua mang về đều được.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu các đặc điểm của Wagashi, các loại Wagashi phổ biến nhất và những nơi bạn có thể ăn hoặc mua Wagashi.

Bạn sẽ hiểu rõ hơn về Wagashi qua bài viết này nên nếu có quan tâm thì bạn hãy đọc đến cuối nhé.

Wagashi là gì?

Wagashi (和菓子) là một trong những loại bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản.

Đặc điểm lớn nhất của Wagashi là vẻ đẹp tinh tế được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của những người thợ làm bánh.
Thậm chí rất nhiều người nước ngoài phải thán phục: “Nó đẹp đến mức tôi không nỡ ăn vì sợ phí!”.

Wagashi đôi khi được ăn như một món ăn vặt, và cũng thường được ăn trong những dịp trang trọng như nghi lễ trà truyền thống. Vì lẽ đó, người ta nói rằng những người thợ làm bánh Wagashi không chỉ phải học kỹ thuật và cách sử dụng nguyên liệu để làm Wagashi, mà còn phải học các phép xã giao chuẩn mực. Chính nhờ những kiến ​​thức này mà họ có thể làm ra chiếc bánh Wagashi như một tác phẩm nghệ thuật.

Nguyên liệu của Wagashi thường là các loại đậu, ngũ cốc (như gạo nếp, lúa mì), các loại trái cây (như hạt dẻ, quả mơ) và rau câu (để làm đông bánh).
Đặc biệt, đậu là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, đậu Azuki đỏ là nguyên liệu không thể thiếu của Wagashi.Ở Nhật, từ ngày xưa người ta đã tin rằng “màu đỏ của đậu đỏ có tác dụng làm bùa hộ mệnh”, và điều này được cho là phản ánh trong món bánh Wagashi.

Các loại Wagashi

Wagashi được chia thành 3 nhóm: Namagashi, Hannamagashi và Higashi. Mỗi nhóm sẽ có thành phần nguyên liệu, cách chế biến và kết cấu khác nhau.

Trong phần sau, tôi sẽ giới thiệu những loại bánh Watashi tiêu biểu của mỗi nhóm. Còn phần này, tôi sẽ giới thiệu sơ lược về đặc trưng của mỗi nhóm.

Nhóm 1: Namagashi (生菓子)

Nhóm đầu tiên là Namagashi, là loại bánh Wagashi có hàm lượng nước hơn 40%.

Namagashi là bánh được làm từ những nguyên liệu như bột nếp, đậu đỏ nghiền trộn với đường… rồi được tạo hình bằng cách nhào hoặc cho vào khuôn.

Do bản chất của các nguyên liệu, bánh sẽ cứng lại theo thời gian nên nhiều loại Namagashi chỉ để được từ 1~3 ngày.

Vì chứa nhiều nước nên Namagashi có kết cấu mềm, mịn và dẻo.

Nhóm 2: Hannamagashi (半生菓子)

Nhóm thứ 2 là Hannamagashi, là loại bánh Wagashi có hàm lượng nước từ 10% ~ 30%.

Người ta nói rằng Hannamagashi được làm ra để ăn được lâu hơn. Bánh này thường để được từ 3 ngày ~ 1 tuần.

Hannamagashi đã được giảm hàm lượng nước nên có kết cấu cứng hơn Namagashi.

Nhóm 3: Higashi (干菓子)

Nhóm thứ 3 là Higashi, là loại bánh Wagashi khô có hàm lượng nước dưới 10%.

Nguyên liệu được sử dụng phổ biến nhất trong Higashi là gạo nếp. Gạo nếp sau khi hấp sẽ được sấy khô rồi tán thành bột. Người ta trộn bột này với đường rồi tạo hình bằng cách cho vào khuôn hoặc nướng lên.

Higashi thường để được khoảng 1 đến 3 tháng nên bạn có thể thưởng thức trong thời gian lâu hơn so với các loại Wagashi khác.

Higashi có kết cấu giòn, khi cắn vào thường kêu rôm rốp giống như ăn món gì đó cứng vậy.

Lịch sử của Wagashi

Lịch sử của Wagashi được cho là có từ thời Jōmon (khoảng 13.000 đến 2.300 năm trước).

Người ta nói rằng vào thời kì đó, có một loại thức ăn đã được tạo ra bằng cách nghiền các loại hạt thành bột, ngâm trong nước để loại bỏ tạp chất, vo tròn rồi nấu chín. Đây cũng được cho là nguồn gốc của những viên bánh trôi Dango, một trong những loại Wagashi tiêu biểu nhất của Nhật Bản.

Sau đó, khi các nhà sư Nhật Bản sang Trung Quốc du học và mang trà trở về, các loại đồ ngọt như bánh trôi Dango bắt đầu được làm ra để thưởng thức cùng với trà.

Wagashi đặc biệt phát triển mạnh vào thời kỳ Edo (1603~1868).

Trước thời kỳ Edo, do liên tục xảy ra những cuộc nội chiến nhằm tranh chấp lãnh thổ nên Nhật Bản chưa có văn hóa thưởng thức đồ ngọt.

Tuy nhiên, vào thời Edo, khi các cuộc chiến tranh giảm đi thì số lượng thợ làm đồ ngọt cũng tăng lên, dẫn đến sự ra đời của nhiều loại đồ ngọt khác nhau. Những loại đồ ngọt được tạo ra trong thời kì này chính là Wagashi được ăn ở Nhật Bản ngày nay.

Đậu đỏ – nguyên liệu phổ biến nhất của Wagashi, được cho là có tác dụng làm bùa hộ mệnh nên người Nhật thường ăn Wagashi vào các cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Ví dụ như ở một số địa phương hoặc gia đình ở Nhật, vào ngày thứ 3 sau khi một đứa trẻ chào đời, người ta thường có phong tục ăn bánh nếp bọc đậu đỏ nghiền với hy vọng đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh.

Người Nhật ngày xưa vốn chỉ ăn Wagashi vào các sự kiện quan trọng trong cuộc đời, nhưng ngày nay rất nhiều người Nhật ăn Wagashi vào cả những ngày bình thường nhất.

Ngày nay, Wagashi cũng thường được ăn như một món ăn nhẹ hay như một món tráng miệng sau bữa chính. Có thể nói, Wagashi đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật.

Các loại bánh Wagashi tiêu biểu (nhóm Namagashi)

Vì nhóm Namagashi có nhiều loại nhất nên không quá lời khi nói rằng Wagashi mà người Nhật thường ăn đa phần đều thuộc nhóm Namagashi.

Các loại bánh Wagashi tiêu biểu thuộc nhóm Namagashi có thể kể đến 11 loại sau.

1. Dango (団子)

Dango là một loại Wagashi được làm từ gạo và có hình tròn giống bánh trôi của Việt Nam. Ở các cửa hàng, Dango được bán theo xiên với 3~4 viên trên mỗi xiên.

Dango thường có thêm topping hoặc quết thêm gia vị, phổ biến nhất là:

  • Đậu đỏ nghiền hoặc đậu đỏ nguyên hạt
  • Xốt Mitarashi (nước tương ngọt)
  • Bột Kinako (bột đậu nành rang)

Bánh trôi Dango ăn dai dai rất ngon.
Mặc dù được yêu thích bởi tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng topping và gia vị ăn kèm Dango cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
“Dango thì tất nhiên phải ăn cùng đậu đỏ rồi!”
“Chính nhờ nước tương ngọt Mitarashi mà vị ngon của Dango mới được cảm nhận rõ nhất!”
“Dango mà không phủ bột đậu nành Kinako thì sao mà gọi là Dango được!”

Việc gây ra tranh cãi cũng đồng thời chứng minh Dango là món ăn vô cùng được yêu thích.
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn Dango ăn kèm topping nào?

2. Yōkan (羊羹)

Yōkan là một loại Wagashi được làm bằng cách nấu hoặc hấp đậu đỏ với đường và rau câu.

Nếu bạn hỏi người Nhật: “Loại Wagashi tiêu biểu là loại nào?” thì hẳn nhiều người sẽ trả lời là: “Yōkan”.

Yōkan có rất nhiều biến thể, có cả những loại Yōkan sử dụng hạt dẻ hay khoai lang nghiền.

Ngoài những loại Yōkan bình thường được bán nhiều ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, còn có những loại Yōkan cao cấp thường được người Nhật mua để làm quà cho người có ơn.

Đặc trưng của Yōkan là rất ngọt nên có người thích có người không thích.Với những ai thích ăn ngọt thì Yōkan là gợi ý tuyệt vời, nếu bạn cũng thích đồ ngọt thì nhất định hãy ăn thử nhé.

3. Daifuku (大福)

Daifuku là một loại Wagashi được làm bằng cách gói đậu đỏ nghiền vào lớp vỏ làm bằng bột nếp, bên ngoài phủ một lớp bột mỏng có thể ăn được.

Ngoài Daifuku nhân đậu đỏ truyền thống, các loại Daifuku được biến tấu cũng rất được người Nhật ưa chuộng.

Điển hình nhất là Daifuku nhân trái cây. Những năm gần đây, các loại Daifuku nhân dâu tây, kiwi, quýt… ngày càng phổ biến ở Nhật.
Chẳng hạn như Daifuku nhân dâu tây (Ichigo Daifuku) được cho là rất ngon vì kết hợp giữa vị ngọt của nhân đậu và vị chua chua ngọt ngọt của dâu tây.Daifuku dâu tây đặc biệt rất được yêu thích bởi phái nữ. Thậm chí nhiều người dù đang phải ăn kiêng vẫn không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của món bánh này.

Mùa dâu tây ở Nhật kéo dài từ mùa đông sang mùa xuân nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy Daifuku dâu tây ở các cửa hàng bánh Wagashi.Nếu có dịp tìm thấy thì bạn cũng ăn thử nhé.

4. Manjū (饅頭)

Manjū là một loại Wagashi được làm bằng cách gói đậu đỏ nghiền bằng lớp vỏ nhào từ bột mì.

Manjū được chia làm 2 loại tùy theo cách chế biến.

  1. Manjū hấp: là bánh Manjū được làm bằng cách hấp. Có thể kể đến Saka Manjū, một loại Manjū hấp có nhân là đậu đỏ và lớp vỏ ngoài là bột mì trộn rượu Sake ngọt.
  2. Manjū nướng: là bánh Manjū được làm bằng cách nướng. Có thể kể đến Kuri Manjū, một loại Manjū nướng có nhân là hạt dẻ trộn đậu Azuki trắng.

Manjū có kết cấu bông mịn giống như bánh ngọt vậy. Cộng thêm nhân đậu ngào đường bên trong nên ăn rất ngọt.

Các khu suối nước nóng nổi tiếng ở Nhật Bản thường có đặc sản là “Onsen Manjū” (tạm dịch: “bánh Manjū suối nước nóng”). Nếu có dịp đến các khu suối nước nóng thì bạn nhất định hãy ăn thử hoặc mua về làm quà nhé.

5. Dorayaki (どら焼き)

Dorayaki là một loại Wagashi có nhân đậu đỏ kẹp giữa 2 miếng bánh hình tròn được làm từ bột mì, trứng và sữa. Đôi khi hạt dẻ cũng được thêm vào nhân đậu.

Có giả thuyết cho rằng cái tên Dorayaki ra đời vì hình dạng của bánh giống hình dạng của chiếc cồng, tiếng Nhật gọi là Dora.

Dorayaki nổi tiếng là món ăn yêu thích của chú mèo máy Doraemon – nhân vật anime quen thuộc. Nó cũng được người Nhật yêu thích bởi vị ngọt nhẹ của bột bánh kết hợp với vị ngọt thanh của nhân đậu.

Gần đây, Dorayaki càng trở nên nổi tiếng với danh hiệu “bánh Pancake đẹp nhất” được bình chọn bởi các bạn nước ngoài.

6. Castella (カステラ)

Castella là một loại Wagashi được làm bằng cách hấp hỗn hợp bột trộn với trứng, sữa và đường.

Nó có kết cấu ẩm và bông như bánh Chiffon (bánh bông lan), có vị ngọt nhẹ và đậm đà. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức nhiều hương vị khác nhau với các biến thể như “Matcha Castella” (có thêm bột trà xanh) hay “Chocolate Castella” (có trộn thêm Socola).

Đối với người Nhật, Castella là “loại bánh Wagashi nổi tiếng của tỉnh Nagasaki”.

Điều này là do món bánh ngọt truyền thống của Bồ Đào Nha “Pain de Lo”, nguồn gốc của Castella, lần đầu tiên được du nhập vào Nhật Bản là ở khu vực Nagasaki.
Nếu bạn hỏi người Nhật: “Bạn nghĩ gì khi nhắc đến Castella?” thì hẳn là nhiều người sẽ trả lời: “Tỉnh Nagasaki”. “Castella = tỉnh Nagasaki” từ lúc nào đã mang ý nghĩa tương đồng trong suy nghĩ của nhiều người Nhật.

Có rất nhiều cửa hàng bán bánh Castella chính gốc ở Nagasaki, nếu bạn có cơ hội đến Nagasaki thì hãy mua một ít bánh Castella nhé.

7. Warabi Mochi (わらび餅)

Warabi Mochi là một loại Wagashi được làm từ bột ​​rễ cây Warabi – một loại cây dại thuộc họ dương xỉ.

Warabi Mochi thường được tạo hình thành hình tròn hoặc hình vuông và được ăn với bột đậu nành (Kinako) và siro đường đen (Kuromitsu). Nó có kết cấu dai và mịn.
Warabi Mochi phủ đầy bột đậu nành và siro đường đen có vị ngọt rất đậm đà và ngon vô cùng.Ở Nhật, nó được yêu thích bởi hầu hết mọi người ở nhiều lứa tuổi.

Warabi Mochi có lịch sử lâu đời, từ tận thời Heian (794~1185) và được cho là món ăn yêu thích của Thiên hoàng thời bấy giờ (Thiên hoàng Go Daigo).

Nhờ vẻ ngoài mát lạnh, Warabi Mochi cũng là món ăn mùa hè rất được yêu thích ở Nhật Bản.

8. Anmitsu (あんみつ)

Anmitsu là một loại Wagashi gồm có Mitsumame với topping là đậu đỏ và siro.

Mitsumame thường là những loại đồ ngọt sau.

  • Thạch cắt nhỏ
  • Đậu Hà Lan đỏ
  • Trái cây như quýt hoặc mơ
  • Kẹo dẻo Gyūhi (gạo nếp nhào với nước và đường)

Anmitsu là một món tráng miệng mùa hè của người Nhật vì nó rất ngon khi ướp lạnh.Với vẻ ngoài tuyệt đẹp, Anmitsu chắc chắn sẽ khiến mạng xã hội của bạn lung linh hơn rất nhiều.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản và ghé quán đồ ngọt, bạn cũng thử chụp một bức ảnh cùng Anmitsu và đăng lên mạng xã hội nhé.

9. Oshiruko/ Zenzai (おしるこ / ぜんざい)

Oshiruko/ Zenzai là một loại Wagashi gồm đậu đỏ và Mochi (bánh nếp) hoặc Shiratama (bánh trôi làm bằng bột gạo). Hiểu đơn giản thì Oshiruko/ Zenzai giống như chè đậu đỏ ở Việt Nam vậy.

Đây là món ăn mà bạn có thể thưởng thức vị ngọt và hương thơm của đậu Azuki. Tùy theo quán mà hương vị sẽ khác nhau, đôi khi sẽ rất ngọt, đôi khi chỉ hơi ngọt thôi.

Về cơ bản, có những khác biệt sau đây giữa Oshiruko và Zenzai.

  • Oshiruko: là chè đậu đỏ có nước.
  • Zenzai: là chè đậu đỏ nhưng không có nước.

Tuy nhiên, tùy theo khu vực mà người ta định nghĩa Oshiruko/ Zenzai khác nhau.

Định nghĩa trên chủ yếu được áp dụng tại khu vực Kantō, còn ở khu vực Kansai và Kyūshū thì sẽ được hiểu như sau:

Ở khu vực Kansai

  • Oshiruko: chè đậu đỏ nghiền.
  • Zenzai: chè đậu đỏ nguyên hạt.

Ở khu vực Kyūshū

  • Oshiruko: chè đậu đỏ có bánh nếp Mochi.
  • Zenzai: chè đậu đỏ có bánh trôi Shiratama.

Khu vực Okinawa

  • Zenzai: đá bào có topping là đậu thận đỏ và bánh trôi Shiratama.

Ngoại trừ Okinawa, Oshiruko/ Zenzai chủ yếu ăn nóng nên thường được ăn như một món ăn vặt vào mùa đông.

10. Kashiwa Mochi (柏餅)

Kashiwa Mochi là một loại Wagashi có vỏ làm từ bột nếp và nhân đậu đỏ, ngoài cùng gói bằng lá sồi Kashiwa.

Bánh này khi ăn sẽ cảm nhận được độ dai của bột nếp và độ ngọt của đậu đỏ. Nhờ có thêm hương vị đặc trưng của lá sồi mà Kashiwa Mochi được cho là rất hợp với trà Nhật.
Lá sồi được chế biến rất kĩ nên hoàn toàn có thể ăn được, nhưng bạn cũng có thể bỏ ra cũng không sao.

Ở Nhật Bản, Kashiwa Mochi là loại bánh được ăn vào ngày 5 tháng 5 (gọi là “Tango no Sekku”) để cầu nguyện cho sự phát triển và sức khỏe của các bé trai.Lá sồi cũng được xem là biểu tượng may mắn với hy vọng “duy trì dòng họ”.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không thể ăn Kashiwa Mochi vào ngày khác ngoài ngày 5 tháng 5, nhưng thật thú vị khi biết rằng ở Nhật Bản có hẳn một ngày đặc biệt dành cho Kashiwa Mochi.

11. Nerikiri (練り切り)

Nerikiri là một loại Wagashi được làm bằng cách nhào đường, Yamaimo (một loại khoai mỡ), bột nếp Mijinko cùng với đậu trắng.

Đặc điểm lớn nhất của Nerikiri là nó thể hiện hình ảnh các mùa.

Nerikiri thường được nặn thành hình các loài thực vật và động vật tượng trưng cho các mùa như sau.

  • Mùa xuân: hoa anh đào, hoa thủy tiên, chim chích chòe…
  • Mùa hè: hoa hướng dương, hoa diên vĩ, vịt, thiên nga…
  • Mùa thu: lá Momiji, hoa cúc, hạt dẻ…
  • Mùa đông: hoa trà, hoa mơ, người tuyết…

Với vẻ ngoài tuyệt đẹp đầy tính nghệ thuật, Nerikiri là món bánh thường được người Nhật ăn vào những dịp đặc biệt.

Có thể thấy Nerikiri được ăn nhiều vào các dịp kỉ niệm, các buổi trải nghiệm trà đạo, nghi lễ trà hay các dịp tiếp đãi khách khứa. Nerikiri với phần nhìn tuyệt đẹp và đậm chất Nhật là món quà gợi ý cho chuyến du lịch Nhật Bản. Tuy nhiên sẽ cần một chút kì công nếu bạn thực sự muốn mua Nerikiri mang về vì đa số hạn sử dụng đều khá ngắn (khoảng 1 ngày).

Các loại bánh Wagashi tiêu biểu (nhóm Hannamagashi)

Có 2 loại bánh tiêu biểu khi nói đến Hannamagashi.

1. Taiyaki (たい焼き)

Taiyaki là một loại Wagashi được làm bằng cách kẹp nhân đậu đỏ vào bột mì và nướng trong khuôn có hình dạng giống như một con cá tráp. Đó cũng là lí do món bánh này có tên gọi là Taiyaki, vì trong tiếng Nhật, “Tai” có nghĩa là cá tráp, “Yaki” có nghĩa là nướng.

Taiyaki rất ngon với lớp bột ẩm và nhân đậu ngọt bên trong.

Ngoài đậu đỏ còn có các loại nhân khác như kem sữa trứng, kem phô mai hay Socola.

Không chỉ là loại bánh Wagashi thân thuộc đối với người Nhật vì có thể thoải mái ăn ngay sau khi bánh được nướng, Taiyaki cũng có ý nghĩa khá đặc biệt.Cụ thể, Taiyaki là loại bánh tượng trưng cho điềm lành vì chữ “Tai” trong tên bánh thường khiến người Nhật liên tưởng đến cụm từ “Omedetai” (nghĩa là “chuyện tốt lành”).

Gần đây, ở Nhật cũng xuất hiện những loại Taiyaki độc đáo như “Danish Taiyaki” hay “Croissant Taiyaki” sử dụng bột làm bánh sừng bò. Bánh này giòn hơn Taiyaki truyền thống và được bán nhiều ở các cửa hàng tiện lợi. Nếu có dịp bạn hãy mua ăn thử và so sánh nhé.

2. Monaka (最中)

Monaka là một loại Wagashi có nhân đậu đỏ kẹp giữa lớp vỏ làm bằng gạo nếp đã được cán mỏng và nướng lên.

Monaka thường có hình tròn, nhưng hiện nay ở Nhật cũng có bán nhiều loại Monaka với nhiều hình dạng khác nhau như hình vuông hay hình bông hoa. Đặc trưng của Monaka là bạn có thể thưởng thức đồng thời lớp vỏ giòn nhẹ bên ngoài và nhân đậu ẩm bên trong.

Người Nhật thường chọn Monaka để làm quà tặng nhờ vẻ ngoài trang nhã của nó. Gần đây, ngoài Monaka nhân đậu truyền thống còn có Monaka nhân kem lạnh, được ưa chuộng như một món tráng miệng ở các gia đình Nhật Bản.

Các loại bánh Wagashi tiêu biểu (nhóm Higashi)

Có 2 loại bánh tiêu biểu khi nói đến Higashi.

1. Senbei (せんべい)

Senbei là một loại Wagashi khô được làm bằng cách cán mỏng bột làm từ gạo hoặc lúa mì, sau đó nướng hoặc chiên giòn. Senbei thường được biết đến với tên “bánh gạo Nhật Bản”.

Senbei thường có hình tròn và kết cấu giòn. Senbei cũng có nhiều loại, tùy loại mà hương vị cũng khác nhau.

  • Atsuyaki Senbei: bánh Senbei dày, vị nước tương.
  • Usuyaki Senbei: bánh Senbei mỏng, có vị nước tương hoặc vị muối.
  • Zarame Senbei: bánh Senbei phủ đường.
  • Age Senbei: bánh Senbei chiên, có vị nước tương ngọt.

Người Nhật thường mua Senbei để làm món ăn vặt trong nhà. Ngoài ra còn có những loại Senbei cao cấp được nhiều người chọn làm quà tặng.

2. Rakugan (落雁)

Rakugan là một loại Wagashi khô được làm bằng cách trộn bột gạo (hoặc bột từ các loại ngũ cốc) cùng với đường và Mizuame (siro tinh bột), cho tất cả vào khuôn và sấy khô. Rakugan có vị ngọt thanh, bùi bùi và mềm tan khi ăn vào.

Đặc điểm lớn nhất của Rakugan nằm ở hình dạng và màu sắc.

Rakugan thường được dùng làm quà tặng dịp kỉ niệm hay làm lễ vật để cúng dường Đức Phật. Tùy sự kiện mà hình dạng và màu sắc của bánh sẽ khác nhau.

Sau đây là một số ví dụ.

  • Lễ kỉ niệm: Rakugan hình cá tráp – tượng trưng cho điều tốt lành trong văn hóa Nhật Bản, bánh thường có màu đỏ và trắng.
  • Lễ cúng dường Đức Phật: Rakugan hình hoa sen – biểu tượng của Đức Phật, bánh thường có màu xanh lá cây.

Rakugan thường không được xem là một món ăn vặt như những loại bánh Wagashi khác.

Ở những sự kiện trải nghiệm trà đạo và nghi lễ trà, Rakugan cũng thường được phục vụ như một món ngọt. Bạn có thể đọc thêm tại bài “Trà đạo Nhật Bản là gì? Giới thiệu lịch sử, nghi thức và nơi bạn có thể trải nghiệm trà đạo Nhật Bản” để biết thêm chi tiết về trà đạo Nhật Bản.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể mua Rakugan để ăn như một món ăn vặt.

Tôi sẽ giới thiệu những nơi bạn có thể mua các loại bánh Wagashi ở phần sau, nếu bạn có quan tâm thì hãy xem qua nhé.

Cách ăn Wagashi

Người Nhật thường thưởng thức Wagashi cùng với trà xanh.Điều này là do hầu hết các loại Wagashi đều có hương vị phù hợp với trà xanh.

Tuy nhiên, Wagashi cũng rất hợp với cà phê hoặc trà đen. Đặc biệt là các loại Wagashi có nhân đậu đỏ, có thể nói đa số đều hợp nên bạn hãy ăn thử nhé.

Ngoài ra cũng có một số cách thức khi ăn Wagashi. Dưới đây là một số ví dụ.

  • Trường hợp bánh Wagashi được phục vụ kèm một que gỗ mỏng vuốt nhọn một đầu, hãy dùng đầu nhọn của que gỗ cắt bánh từ bên trái thành miếng nhỏ vừa ăn, tay còn lại hãy cầm dĩa lên.
  • Trường hợp bánh Wagashi được đặt trên một miếng giấy Nhật (gọi là Kaishi) và không có que gỗ, hãy gói bánh vào giấy và ăn.
  • Trường hợp bánh Wagashi được đặt trên dĩa mà không có que gỗ lẫn giấy Kaishi, bạn hãy cầm dĩa lên bằng một tay và ăn trực tiếp bằng tay còn lại.

Nếu ăn bánh Wagashi như một món ăn vặt ở nhà thì người Nhật thường không cầu kì, nhưng trong những dịp trang trọng như tiệc chiêu đãi hoặc tiệc trà thì người Nhật thường rất ý thức về cách ăn bánh Wagashi. Nếu có cơ hội tham gia vào những buổi tiệc thì bạn cũng nên biết qua nhé.

Những nơi mà bạn có thể ăn Wagashi

Wagashi có thể được ăn chủ yếu ở 4 nơi sau.

1. Quán cà phê kiểu Nhật

Quán cà phê kiểu Nhật là những quán cà phê chuyên phục vụ Wagashi.

Các quán cà phê kiểu Nhật cũng có phục vụ các loại trà hợp với Wagashi nên người Nhật thường ghé qua khi muốn thưởng thức một món ăn vặt trong lúc nghỉ chân ở nơi du lịch.

Tùy quán mà menu Wagashi sẽ khác nhau, sau đây là 3 loại tiêu biểu.

  1. Anmitsu
  2. Oshiruko/ Zenzai
  3. Warabi Mochi

Các quán cà phê kiểu Nhật có thể được tìm thấy ở khu ăn uống trong các thương xá, khu mua sắm hoặc trên đường phố. Tuy nhiên, tùy vào khu vực bạn đến mà có thể không có quán nên tốt nhất bạn nên xác nhận trước nhé.

Một số chuỗi quán cà phê kiểu Nhật mà bạn có thể ăn bánh Wagashi

2. Nhà hàng chuyên món Nhật

Bạn cũng có thể ăn Wagashi ở những nhà hàng chuyên phục vụ món Nhật.

So với quán cà phê kiểu Nhật thì nhà hàng chuyên món Nhật ít món Wagashi hơn, nhưng cơ bản đều có những món tiêu biểu như Anmitsu, Oshiruko/ Zenzai, Warabi Mochi.

Về cơ bản, nhà hàng chuyên món Nhật sẽ phục vụ bữa trưa và bữa tối, nên người Nhật thường gọi Wagashi như một món tráng miệng sau khi kết thúc bữa chính.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người Nhật ghé nhà hàng chuyên món Nhật để thưởng thức Wagashi như một món ăn vặt khi họ đi chơi.

Việc có thể ăn Wagashi như một món tráng miệng sau bữa chính hay như một món ăn vặt là điểm đặc trưng của nhà hàng chuyên món Nhật.

Một số chuỗi nhà hàng chuyên món Nhật mà bạn có thể ăn Wagashi

3. Vườn Nhật Bản

Ở các khu vườn truyền thống của Nhật Bản thường có quán cà phê kiểu Nhật, vì vậy bạn có thể ăn bánh Wagashi tại đó.

Người Nhật thường đến các khu vườn Nhật Bản để ngắm cảnh và ghé các quán cà phê kiểu Nhật khi họ muốn nghỉ ngơi. Khi đó, họ thường gọi Wagashi để ăn.Thật tuyệt vời vì có thể thưởng thức Wagashi thơm ngon trong khi hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp.

Một số vườn Nhật Bản mà bạn có thể ăn Wagashi

4. Chùa Nhật Bản

Vì các ngôi chùa gắn liền với Phật giáo (Thiền tông) nên ở đây thường diễn ra những buổi trải nghiệm trà đạo, nghi lễ trà, vì vậy bạn có thể thưởng thức Wagashi vào những dịp này.

Ngoài ra, cũng có nhiều ngôi chùa có quán cà phê kiểu Nhật để làm nơi nghỉ chân cho khách du lịch nên bạn cũng có thể ăn Wagashi ở đó.

Người Nhật thường ăn Wagashi khi tham gia các buổi trải nghiệm trà đạo hoặc nghi lễ trà tại các ngôi chùa, hoặc khi nghỉ ngơi ở một quán cà phê kiểu Nhật sau khi vãng cảnh.

Tùy ngôi chùa mà loại bánh Wagashi được phục vụ sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản thì các buổi trải nghiệm trà đạo hay nghi lễ trà thường có Nerikiri hoặc Rakugan, các quán cà phê kiểu Nhật thường có Anmitsu, Oshiruko/ Zenzai và Warabi Mochi.

Chùa là nơi lý tưởng khi bạn muốn ăn bánh Wagashi trong khi trải nghiệm các nghi thức uống trà truyền thống của Nhật Bản, hoặc khi bạn muốn thưởng thức Wagashi trong không gian tĩnh lặng.

Một số ngôi chùa Nhật Bản mà bạn có thể ăn Wagashi

Những nơi mà bạn có thể mua Wagashi

Những quán có phục vụ Wagashi thường chỉ giới hạn trong những loại phổ biến nhất.

Nếu muốn thưởng thức nhiều loại Wagashi khác, bạn rất nên ghé những tiệm chuyên bán Wagashi.

Sau đây là 4 địa điểm chính mà bạn có thể mua Wagashi.

1. Cửa hàng chuyên bánh Wagashi

Không quá lời khi nói rằng bạn có thể mua hầu hết tất cả các loại Wagashi phổ biến tại các cửa hàng chuyên bánh Wagashi.

Các loại Wagashi ở đây thường có chất lượng cao và đắt tiền, vì vậy người Nhật thường mua khi:

  • Muốn ăn một món đồ ngọt xa hoa một chút
  • Muốn mua một món đồ ngọt để đãi khách hay để dùng trong tiệc trà
  • Muốn mua đồ ngọt làm quà tặng, đặc biệt cho người lớn tuổi

Cửa hàng chuyên bánh Wagashi là gợi ý dành cho những bạn muốn mua đồ ngọt dùng trong những dịp đặc biệt như khi có khách đến thăm hoặc khi muốn tặng quà cho người có ơn. Tất nhiên, nếu bạn du lịch đến Nhật và muốn mua đồ ngọt về làm quà thì cũng rất nên ghé các cửa hàng chuyên bánh Wagashi.

Các cửa hàng chuyên bánh Wagashi thường có ở những nơi sau:

  • Khu ăn uống (thường nằm ở tầng hầm) của những khu thương xá như Daimaru hay Takashimaya…
  • Khu ăn uống của những khu mua sắm bên trong nhà ga
  • Khu ăn uống của những khu thương mại khác

Một số cửa hàng chuyên bánh Wagashi nổi tiếng

2. Tiệm đồ ngọt

Tiệm đồ ngọt là cửa hàng chuyên phục vụ tất cả các loại đồ ngọt, bao gồm cả Wagashi.

Chateraise là chuỗi tiệm đồ ngọt nổi tiếng nhất ở Nhật Bản và bạn có thể mua Wagashi ở đây.

Trừ khu vực Okinawa, Chateraise có chi nhánh ở gần như toàn quốc. Bạn có thể mua đồ ngọt cho nhiều mục đích khác nhau như để ăn vặt trong nhà, để tặng khi đến nhà bạn bè hoặc làm quà cho người bạn trân trọng. Ở Nhật, có thể nói không ai là không biết Chateraise.

Tùy khu vực mà đôi khi sản phẩm được bán sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trừ các loại Wagashi khô (như bánh gạo Senbei, bánh Rakugan) thì hầu hết các loại Wagashi khác đều có bán.

Trong đó, “Bánh Dorayaki bơ Hokkaido” là loại bánh bán chạy nhất của Chateraise. Bạn cũng hãy mua ăn thử nếu có dịp ghé Chateraise nhé.

3. Siêu thị

Bạn cũng có thể mua Wagashi ở siêu thị.

Người Nhật mua Wagashi ở siêu thị khi họ muốn ăn Wagashi như một món vặt ở nhà.Vì Wagashi ở siêu thị thường có giá bình dân hơn ở các tiệm đồ ngọt hoặc cửa hàng chuyên bánh Wagashi.

Siêu thị có mặt ở khắp nơi ở Nhật Bản nên nếu thèm một món ăn vặt thì bạn cũng ghé mua Wagashi ăn nhé.

4. Cửa hàng tiện lợi

Bạn cũng có thể mua Wagashi ở cửa hàng tiện lợi.

Đồ ngọt ở các cửa hàng tiện lợi do phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành nên ngày càng phong phú và cũng có nhiều loại Wagashi.

Wagashi ở cửa hàng tiện lợi thường là những loại được biến tấu dựa trên Wagashi truyền thống, chẳng hạn như:

(7-Eleven)

(FamilyMart)

*Một số sản phẩm có thể không được bán tùy theo khu vực hoặc theo mùa.

Người Nhật thường chọn mua ở cửa hàng tiện lợi khi muốn thử những loại Wagashi khác lạ.

Tất nhiên, dù không nhiều nhưng ở các cửa hàng tiện lợi cũng có những loại Wagashi truyền thống.

Chẳng hạn như Yōkan, Daifuku, Dorayaki hay Dango. Các loại bánh này thường được xếp ở cạnh quầy tính tiền, nếu muốn mua thì bạn tìm thử nhé.

Lời kết

Wagashi là món đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản, tuy có lịch sử lâu đời nhưng vẫn được yêu thích cho đến ngày nay.

Bạn có thể ăn Wagashi ở nhiều nơi, từ những nơi dễ tìm như quán cà phê kiểu Nhật cho đến những nơi truyền thống như chùa chiền. Ngoài ra cũng thật thuận tiện khi có rất nhiều nơi bạn có thể mua Wagashi, từ các thương xá cho đến cửa hàng tiện lợi, từ nơi cao cấp đến chỗ bình dân.

Hãy thử nhiều loại Wagashi khác nhau và tìm ra loại mà bạn yêu thích nhé.

Comment

There are no comment yet.

PAGE TOP