-Wa- Japan Web Magazine

Y tế

Lần đầu hiến máu ở Nhật? Đây là những điều bạn nên biết trước để tránh bỡ ngỡ

Ở Nhật Bản, người nước ngoài cũng có thể tham gia hiến máu.

Tuy nhiên, do tài liệu hướng dẫn chỉ có tiếng Nhật và quy trình cũng gồm nhiều bước nên với những bạn lần đầu đi hiến máu thì có thể sẽ gặp không ít bỡ ngỡ.

“Bạn muốn đi hiến máu nhưng không biết bản thân có đủ tiêu chuẩn hiến máu không?”
“Bạn muốn biết quy trình hiến máu ở Nhật Bản như thế nào?”
“Bạn muốn tìm nơi có thể hiến máu tại Nhật Bản?”

Bài viết này sẽ trả lời tất cả những câu hỏi trên dựa theo thông tin trên trang web chính thức của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.

Nếu bạn cũng có những thắc mắc tương tự thì nhất định hãy tham khảo nhé.

Những người không được hiến máu

  1. Người điều trị nha khoa dẫn đến chảy máu trong 3 ngày qua
  2. Người mới từ nước ngoài vào Nhật Bản trong 4 tuần qua
  3. Người có xỏ lỗ trên cơ thể trong 1 tháng qua
  4. Người xăm mình trong 6 tháng qua
  5. Người đang mang thai hoặc cho con bú
  6. Người bị nhiễm HIV
  7. Người có quan hệ tình dục với bạn tình mới hoặc bạn tình ẩn danh trong vòng 6 tháng qua
  8. Là đàn ông và có quan hệ tình dục với người đàn ông khác trong 6 tháng qua
  9. Người sử dụng ma túy, chất kích thích trong 6 tháng qua
  10. Người có quan hệ tình dục với người thuộc trường hợp số 7, 8, 9 trong 6 tháng qua
  11. Người đã từng được truyền máu (của người khác), cấy ghép mô hoặc tủy, tiêm thuốc có chiết xuất nhau thai người
  12. Người từng mắc bệnh giang mai, viêm gan C, sốt rét hoặc bệnh Chagas
  13. Người vừa rời khỏi các nước Trung và Nam Mỹ (không gồm các nước Caribe nhưng gồm Mexico) chưa quá 6 tháng
  14. Người bị nhiễm vi rút Zika nhưng quá trình điều trị chưa quá 1 tháng

Ngoài ra, trong những trường hợp sau, bạn cần báo với y tá trước khi hiến máu:

  • Có dùng thuốc hoặc bị tác dụng phụ của thuốc trong 3 ngày qua
  • Đã chích ngừa trong vòng 1 năm qua
  • Đã ở nước ngoài (trừ Châu Âu, Mỹ, Canada) trong vòng 3 năm qua
  • Đã ở lại Châu Âu hoặc Ả Rập Saudi hơn 1 tháng sau năm 1980

Ngoài những trường hợp nêu trên, tùy theo tình trạng sức khỏe ngày hôm đó và chẩn đoán sơ bộ của bác sĩ mà cũng có khi bạn sẽ không được hiến máu.

Mặt khác, do tài liệu chỉ có tiếng Nhật và y tá cũng chỉ giải thích bằng tiếng Nhật nên nếu bạn chưa thể nghe hiểu tiếng Nhật ở một mức độ nhất định thì cũng có khi sẽ bị từ chối.

Các loại hiến máu

Khi đi hiến máu ở Nhật Bản, bạn sẽ được chọn giữa 2 loại “hiến máu toàn phần” và “hiến thành phần máu”.

Hiến máu toàn phần

  • Là phương thức hiến toàn bộ các thành phần có trong máu.
  • Có thể chọn hiến 200ml máu hay 400ml máu.
  • Tiêu chuẩn cơ bản của người hiến máu:
200ml400ml
Tuổi16~69 tuổi・Nam: 17~69 tuổi
・Nữ: 18~69 tuổi
Cân nặng・Nam: trên 45kg
・Nữ: trên 40kg
Trên 50kg

Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, người hiến máu cũng cần thỏa các tiêu chuẩn về huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể… được đo vào ngày hiến máu.

Hiến thành phần máu

  • Là phương thức chỉ hiến tiểu cầu hoặc huyết tương có trong máu bằng thiết bị gạn tách chuyên dụng.
  • Ít gây căng thẳng cho cơ thể hơn so với phương thức hiến máu toàn phần.
  • Tiêu chuẩn cơ bản của người hiến máu:
Hiến huyết tươngHiến tiểu cầu
Tuổi18~69 tuổi・Nam: 18~69 tuổi
・Nữ: 18~54 tuổi
Cân nặng・Nam: trên 45kg
・Nữ: trên 40kg
・Nam: trên 45kg
・Nữ: trên 40kg

Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, người hiến máu cũng cần thỏa các tiêu chuẩn về huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể… được đo vào ngày hiến máu.

Điều cần làm trước khi đi hiến máu

Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như đảm bảo quá trình hiến máu diễn ra thuận lợi, bạn hãy lưu ý những điểm sau trước khi đi hiến máu.

  • Ngủ đủ (ít nhất 5 tiếng) vào đêm hôm trước
  • Không để bụng đói
  • Không ăn các món nhiều dầu mỡ
  • Không hút thuốc
  • Không uống bia rượu hoặc uống các món có sữa

Tóm lại, hãy giữ cơ thể ở trạng thái tốt nhất trước khi đi hiến máu bạn nhé.

Quy trình hiến máu ở Nhật Bản

Đăng kí hiến máu

Bạn cần trình giấy tờ tùy thân có hình như hộ chiếu, thẻ ngoại kiều hay thẻ My number…

Tiếp theo, bạn sẽ được trao cho “Giấy giải thích về việc đồng ý hiến máu” (献血の同意説明書) trình bày rõ ràng về tác dụng phụ của việc hiến máu và mục đích sử dụng máu…

Bạn phải đọc qua, hiểu rõ và chấp thuận nội dung trong giấy thì mới được đăng kí hiến máu.

Chi tiết về “Giấy giải thích về việc đồng ý hiến máu”: xem tại đây.

Trả lời bảng câu hỏi

Bạn sẽ được phát “Bảng câu hỏi” (問診表) gồm các câu hỏi về sức khỏe và tiền sử bệnh tật.

Bảng câu hỏi được thiết kế theo kiểu trả lời “Có” & “Không” và bạn chỉ cần khoanh tròn vào nội dung muốn trả lời là được.

Lưu ý là hãy đọc kĩ và trả lời trung thực để việc hiến máu diễn ra an toàn cho cả bạn và người được nhận máu.

Chi tiết về “Bảng câu hỏi”: xem tại đây.

Kiểm tra sức khỏe

Bạn sẽ được hướng dẫn đến gặp bác sĩ và sẽ được hỏi một số câu liên quan đến sức khỏe dựa trên câu trả lời của “Bảng câu hỏi” ở bước trên.

Nếu được bác sĩ xác nhận bạn đáp ứng tiêu chuẩn hiến máu, bạn sẽ được đo huyết áp và nhiệt độ cơ thể.

Đo nồng độ huyết sắc tố/ xét nghiệm nhóm máu sơ bộ

Bạn sẽ được đo xem nồng độ huyết sắc tố có đáp ứng tiêu chuẩn hiến máu hay không và được xét nghiệm sơ bộ về nhóm máu.

Trường hợp chọn phương thức “hiến thành phần máu”, số lượng tiểu cầu cũng được đo.

Lưu ý: thuốc khử trùng được sử dụng có chứa i-ốt.
Nếu bạn bị dị ứng i-ốt, hãy nói với y tá để được thay bằng thuốc khử trùng khác.

Hiến máu

Hãy nằm lên giường được chỉ định để y tá tiến hành lấy máu.

Tùy theo phương thức hiến máu mà thời gian hiến máu sẽ khác nhau.

  • Hiến máu toàn phần: cần khoảng 10~15 phút
  • Hiến thành phần máu: cần khoảng 40~90 phút

Nghỉ ngơi sau khi hiến máu

Sau khi hiến máu, bạn sẽ được yêu cầu ngồi lại ít nhất 10 phút để theo dõi tình hình sức khỏe.

Trường hợp bạn phải lái xe (bao gồm cả xe đạp), hãy ngồi lại ít nhất 30 phút sau khi hiến máu.

Nhận thẻ Kenketsu Kādo và ra về

Kenketsu Kādo là một tấm thẻ dành cho những ai đã tham gia hiến máu.

Trên thẻ Kenketsu Kādo sẽ có thông tin tên, mã code của người hiến máu, lịch sử hiến máu và thời điểm có thể hiến máu lần tiếp theo.

Chỉ cần mang theo thẻ này khi đi hiến máu lần sau thì thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Lưu ý sau khi đi hiến máu

Sau khi nghỉ ngắn tại trung tâm hiến máu, cơ thể bạn chưa hẳn đã hồi phục hoàn toàn.
Vì vậy, sau khi rời trung tâm hiến máu, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Uống thật nhiều nước
  • Nếu di chuyển bằng tàu điện, hãy đứng chờ tàu ở nơi cách xa đường ray phòng trường hợp bị chóng mặt và té ngã vào đường ray
  • Không tắm trong vòng 2 tiếng sau đó
  • Không xông hơi trong ngày
  • Không hút thuốc, không uống rượu, không vận động mạnh ngay sau khi hiến máu

Trường hợp cảm thấy không ổn, hãy gọi ngay đến trung tâm hiến máu để được hỗ trợ.
(Số điện thoại của trung tâm hiến máu gần nhất được in trên thẻ Kenketsu Kādo)

Thông báo kết quả xét nghiệm máu

Giấy thông báo kết quả xét nghiệm máu

Để tri ân bạn đã hợp tác hiến máu, trung tâm hiến máu sẽ thông báo kết quả xét nghiệm máu của bạn bằng đường bưu điện.

Kết quả bao gồm:

  • 7 kết quả xét nghiệm sinh hóa và 8 kết quả xét nghiệm số lượng tế bào máu:
    • Thông báo kết quả sau 2 tuần kể từ ngày hiến máu.
    • Bạn có thể so sánh chỉ số của bản thân với chỉ số bình thường được ghi ở từng mục.
  • Kết quả xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, viêm gan E, giang mai, kháng thể HTLV-1:
    • Thông báo kết quả sau 1 tháng kể từ ngày hiến máu.
    • Chỉ thông báo kết quả với những trường hợp có chỉ số khác thường. Với bạn nào âm tính (không bị nhiễm) thì sẽ không có thông báo.

Lưu ý rằng kết quả xét nghiệm máu chỉ được thông báo khi bạn có nhu cầu muốn biết.
Trước khi tiến hành lấy máu, y tá sẽ hỏi bạn có nguyện vọng nhận kết quả xét nghiệm máu hay không.
Trường hợp bạn muốn nhận kết quả, hãy trả lời là có nhé.

Những nơi có thể hiến máu ở Nhật Bản

Một nhân viên y tế đang cầm biển kêu gọi hiến máu trước ga Akihabara

Có rất nhiều nơi tiếp nhận hiến máu ở Nhật Bản, đa phần đều tập trung ở các ga lớn có đông người qua lại.

Bên cạnh các trung tâm hiến máu cố định, ở Nhật cũng có những chuyến xe buýt hiến máu lưu động.

Bạn có thể tham khảo link sau để tìm thấy nơi tiếp nhận hiến máu gần nhất và thời gian làm việc cụ thể.

Một số trung tâm hiến máu hoặc xe buýt hiến máu cũng có chế độ “Đặt trước” để thuận tiện cho người hiến máu, tuy nhiên việc đặt trước là không bắt buộc nên bạn cứ đến trực tiếp cũng được nhé.

Ngoài ra, để thu hút nhiều người hiến máu, một số trung tâm hiến máu còn tổ chức những sự kiện như bói chỉ tay, bói bài Tarot, chăm trẻ trong thời gian cha mẹ hiến máu…

Nếu ở trung tâm hiến máu bạn đến cũng có những sự kiện thú vị thì bạn cũng tham gia thử nhé!

Lời kết

Việc không hiểu rõ quy trình có thể đã từng khiến bạn ngần ngại đi hiến máu dù bản thân rất muốn, nhưng qua bài viết này chắc hẳn bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về quy trình hiến máu ở Nhật Bản rồi đúng không?

Trường hợp quyết định sẽ đi hiến máu, bạn hãy tham khảo trước về “Giấy giải thích về việc đồng ý hiến máu” (献血の同意説明書) và “Bảng câu hỏi” (問診表) được đề cập trong bài viết để có thể thực hiện các thủ tục một cách suôn sẻ nhất.

Và cũng đừng quên nghỉ ngơi thật kĩ trước và sau khi đi hiến máu để mau phục hồi sức khỏe nhé.

Comment

There are no comment yet.

PAGE TOP