-Wa- Japan Web Magazine

Lễ hội

7 món ăn truyền thống của lễ hội Hinamatsuri và ý nghĩa từng món

Vào ngày 3/3 hàng năm, những gia đình có bé gái ở Nhật Bản sẽ tổ chức lễ hội Hinamatsuri để cầu cho bé gái lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.

Bên cạnh việc trang trí búp bê Hina, việc cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống cũng là một nghi thức không thể thiếu vào ngày lễ hội.

“Cụ thể thì người Nhật ăn gì vào ngày lễ Hinamatsuri?”
“Những món ăn đều rất xinh đẹp và nhiều màu sắc, vậy ý nghĩa của chúng là gì?”

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu 7 món ăn truyền thống được ăn vào ngày lễ Hinamatsuri và ý nghĩa từng món.
Hãy đọc qua để hiểu rõ hơn về ngày lễ thú vị này nhé.

Bánh Hishi-mochi (菱餅)

Bánh Hishi-mochi được xem là món ăn biểu tượng của lễ hội Hinamatsuri.

Bánh Hishi-mochi được tạo thành từ ba lớp bánh nếp hình thoi có màu hồng, trắng và xanh lá. Mỗi màu đều mang một ý nghĩa riêng.
Màu hồng giúp xua đuổi tà ma, màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, màu xanh lá đại diện cho sức khỏe và sự trường thọ.

Ở một góc độ khác, bánh Hishi-mochi cũng tượng trưng cho sự sống mãnh liệt của tự nhiên vì màu sắc của bánh làm liên tưởng đến hình ảnh những mầm non (màu xanh lá) đâm chồi dưới lớp tuyết lạnh (màu trắng) và nở rộ thành những bông hoa (màu hồng) khi mùa xuân về.

Người ta ăn bánh Hishi-mochi vào lễ hội Hinamatsuri để cầu chúc cho những bé gái lớn lên được bình an và vững vàng trong cuộc sống.

Gạo nổ Hina Arare (ひなあられ)

Hina Arare cũng là món ăn tiêu biểu khi nhắc đến lễ hội Hinamatsuri.

Hina Arare là gạo nổ.
Hina Arare có 4 màu là hồng, xanh lá, vàng và trắng tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông.

Tùy địa phương mà hình dạng và hương vị của Hina Arare sẽ khác nhau.
Nếu như Hina Arare của vùng Kantō có kích thước chỉ bằng hạt gạo và có vị ngọt thì Hina Arare của vùng Kansai to hơn và có vị mặn do được tẩm nước tương hoặc muối.

Gạo nổ Hina Arare được ăn vào lễ hội Hinamatsuri với mong muốn bé gái nhận được nguồn năng lượng từ tự nhiên và sống hạnh phúc suốt 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông.

Bánh Sakura-mochi (桜餅)

Sakura-mochi vùng Kanto (trái) và vùng Kansai (phải)

Sakura-mochi là một loại bánh Wagashi truyền thống, có vỏ bánh màu hồng và cuộn lá anh đào đã ngâm muối bên ngoài.

Lí do bánh Sakura-mochi trở thành món ăn gắn liền lễ hội Hinamatsuri được cho là vì màu hồng và màu xanh lá cây của bánh phù hợp với không khí lễ hội mùa xuân.
Ngoài ra cũng có giả thuyết cho rằng việc ăn bánh Sakura-mochi vào ngày lễ Hinamatsuri (lễ hội bé gái) là nghi thức đối xứng với việc ăn bánh Kashiwa-mochi (*) vào ngày lễ Kodomo-no-hi (lễ hội bé trai).

Điều thú vị của bánh Sakura-mochi là mặc dù cùng tên gọi nhưng nguyên liệu và hình dạng bánh ở vùng Kanto và vùng Kansai hoàn toàn khác nhau.
Nếu như bánh Sakura-mochi vùng Kanto được làm bằng bột mì và cuộn thành hình giống bánh crepe, thì bánh Sakura-mochi vùng Kansai được làm từ bột nếp và cuộn tròn.

(*) Chú thích: Bánh Kashiwa-mochi (柏餅) cũng là một loại bánh Wagashi, có hình dạng tương tự bánh Sakura-mochi nhưng màu trắng.

Chirashi-zushi (ちらし寿司)

Một món ăn nữa cũng đại diện cho lễ hội Hinamatsuri đó là Chirashi-zushi.

Chirashi-zushi là Sushi dạng thố với cơm giấm bên dưới và rắc đầy đồ ăn đủ màu sắc bên trên.

Tùy theo địa phương mà thành phần đồ ăn sẽ thay đổi, nhưng cơ bản đều là những món mang ý nghĩa tốt lành như tôm, củ sen v.v.
Tôm tượng trưng cho sự trường thọ vì lưng tôm cong giống những cụ già, củ sen tượng trưng cho tương lai triển vọng vì củ sen có nhiều lỗ có thể nhìn xuyên qua phía bên kia.

Tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa, Chirashi-zushi là món ăn hoàn hảo để cầu chúc cho sự trưởng thành và hạnh phúc của các bé gái. 

Temari-zushi (手まり寿司)

Temari-zushi là Sushi tròn mô phỏng theo hình dạng quả cầu Temari – một món đồ chơi truyền thống của Nhật.
Temari-zushi ra đời ở Kyōto nên còn được gọi là Kyō-zushi.

Temari-zushi được thiết kế đặc biệt (hình tròn + size nhỏ) là để cho các nàng Maiko dễ ăn mà không bị lem son môi.

Ban đầu, Temari-zushi không phải là món ăn vào ngày Hinamatsuri, nhưng nhờ vẻ ngoài đẹp mắt và size nhỏ dễ ăn ngay cả đối với trẻ con nên ngày càng được ăn nhiều hơn vào ngày lễ hội.

Canh nghêu (はまぐりのお吸い物)

Canh nghêu là món ăn không thể thiếu vào lễ hội Hinamatsuri.

Hai mảnh vỏ nghêu khép chặt ăn ý tượng trưng cho vợ chồng thuận hòa, hôn nhân viên mãn.

Canh nghêu được ăn vào ngày lễ hội với mong ước các cô gái khi lớn lên sẽ gặp được người bạn đời tuyệt vời và có cuộc sống hạnh phúc.

Rượu Shirozake (白酒) và rượu ngọt Amazake (甘酒)

Rượu Shirozake và rượu ngọt Amazake là 2 món uống truyền thống vào lễ hội Hinamatsuri.

Cả 2 loại rượu này về cơ bản đều được làm từ gạo, nhưng rượu Shirozake do có cồn nên chỉ dành cho người lớn, còn rượu ngọt Amazake do không có cồn nên trẻ em cũng có thể uống được.

Người Nhật ngày xưa tin rằng uống rượu Shirozake hay rượu ngọt Amazake vào ngày lễ hội sẽ giúp xua đuổi tà ma và thanh tẩy cơ thể.
Phong tục này vẫn lưu truyền cho đến ngày nay.

Lời kết

Bánh Hishi-mochi, gạo nổ Hina Arare, cơm Chirashi-zushi v.v. tuy khác nhau về mặt hình thức nhưng đều xinh đẹp và mang ý nghĩa cầu chúc bé gái lớn lên được bình an và hạnh phúc.

Việc hiểu rõ ý nghĩa của những món ăn không chỉ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về lễ hội Hinamatsuri, mà còn giúp bạn trải nghiệm món ăn thú vị hơn khi có dịp thưởng thức trực tiếp.

Tất cả những món ăn được đề cập trong bài viết này đều là những món tiêu biểu nhất của lễ hội Hinamatsuri nên rất dễ tìm mua.
Nếu bạn cũng ở Nhật Bản vào dịp lễ hội thì nhất định hãy nếm thử nhé.

Comment

There are no comment yet.

RELATED

PAGE TOP